Trồng nấm - nghề phụ dễ làm
|
|
Đánh giá: 0 người đã đánh giá bài báo này.
Người viết: khachnonghoc,
ngày 7/29/2013,
trong mục "
TIN NÔNG NGHIỆP"
Tóm tắt: Trồng nấm - nghề phụ dễ làm
Trồng nấm - nghề phụ dễ làm
Nhiều loại nấm ăn lâu nay được xem là loại rau sạch, không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh nên luôn được tiêu thụ mạnh. Trước đây, nông dân ĐBSCL chủ yếu chỉ trồng nấm rơm và nấm mèo, mấy năm gần đây qui trình nuôi trồng nhiều loại nấm khác như nấm bào ngư, linh chi… cũng đã được một số bà con áp dụng thành công. Nhìn chung, việc trồng nấm không đòi hỏi nhiều diện tích, giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn và tạo thêm nguồn thu, góp phần cải thiện cuộc sống của nhà nông.
Hỏi: Những lợi ích thật sự mang đến cho nhà nông khi phát triển nghề trồng nấm?
- Đáp (PGS. TS. Nguyễn Bảo Vệ): Trồng nấm hiện nay là nghề phụ nhưng điều kiện nước ta thì có nhiều thuận lợi để phát triển thành nghề cho thu nhập chính và thậm chí công nghiệp hóa nghề trồng nấm. Các điều kiện thuận lợi ở ĐBSCL đó là:
- Nhiệt độ: gần như ổn định quanh năm, chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng nhất và lạnh nhất không quá 5oC. Điều này cho phép nhà nông có thể sản xuất nấm được quanh năm.
- Ẩm độ: trong giai đoạn hình thành tai nấm thì luôn cần ẩm độ 80-95% mà ở ĐBSCL ẩm độ không khí trung bình là 80%, mùa mưa ẩm độ lên cao hơn nên rất thuận lợi.
- Nguồn nguyên liệu: ĐBSCL là vùng nông nghiệp nên nguyên liệu (giá thể) để trồng nấm rất nhiều, nhất là rơm rạ. Hàng năm có khoảng 20 triệu tấn lúa chúng ta cũng có lượng rơm rạ khoảng đó, chỉ cần sử dụng vài chục phần trăm lượng rơm rạ này để trồng nấm thì bảo đảm kế hoạch sản xuất nấm của đất nước dễ dàng đạt được. Bên cạnh đó, nguồn bã mía ở ĐBSCL cũng rất lớn và hoàn toàn có thể sử dụng để làm giá thể trồng nấm đạt hiệu quả.
- Nguồn lao động: trồng nấm hiện nay chủ yếu sử dụng lao động thủ công và lực lượng lao động nông nhàn ở vùng ĐBSCL rất nhiều, nhất là sau các vụ lúa. Ngoài ra, sản xuất nấm thì những người ngoài độ tuổi lao động vẫn có thể làm được nên giải quyết rất tốt việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.
- Tạo ra các dịch vụ khác: dịch vụ cung cấp rơm, làm meo nấm, thu mua, chế biến xuất khẩu…
- Nguồn giống: với tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay chúng ta đã có rất nhiều dòng nấm tốt, cho năng suất cao; có kỹ thuật trồng nấm tiến bộ nên tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trồng nấm đạt kết quả.
- Trồng nấm nguồn vốn đầu tư ít nhưng lại mau sinh lợi.
- Thị trường tiêu thụ rộng: do nấm giàu dinh dưỡng và có tác dụng dược lý khá phong phú như tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, bảo vệ tế bào gan, hạ đường máu… nên nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng.
Từ những thuận lợi trên cho thấy việc phát triển nghề trồng nấm ở vùng ĐBSCL là hoàn toàn phù hợp và cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa.
Hỏi: Làm thế nào để chọn lựa meo giống trồng nấm rơm tốt nhất? Nguyên nhân nấm rơm bị dộp? Xin hướng dẫn cách trồng nấm rơm hiệu quả nhất?
- Đáp (ThS. Ông Tài Thuận): Cách chọn meo giống tốt: meo có màu đồng nhất, sợi phát triển đều, không bị nhiễm mốc bệnh và không bị những vùng loang lổ. Giống nấm có mùi thơm đặc trưng, không có mùi chua; giống không quá già, đủ tuổi và tốt nhất là meo giống nấm ăn kín đáy sau khoảng 2-3 ngày.
Nguyên nhân nấm rơm bị dộp: do mưa nhiều hoặc tưới nhiều nước lúc nấm hình thành quả thể tức là giai đoạn nấm hình thành trứng cá cho đến lúc hình thành quả trứng sử dụng được. Để khắc phục thì trong quá trình trồng nấm rơm phải có áo rơm và mùa mưa nên sử dụng bạt che phủ bên trên. Điều chỉnh lượng nước tưới cho giồng nấm rơm, ngưng tưới trong mùa mưa. Cần tạo các rãnh thoát nước để trong mùa mưa nước sẽ thoát nhanh hơn.
Hiện nay có 2 cách trồng nấm rơm đó là trồng ngoài trời và trồng trong nhà. Mùa mưa thì có thể tận dụng diện tích trong nhà để trồng nấm rơm cũng cho năng suất cao. Mùa khô có thể trồng nấm ngoài trời. Qui trình trồng nấm rơm có thể tóm lược như sau:
* Trồng nấm rơm ngoài trời:
- Chọn điểm trồng: nền cao ráo, sạch sẽ, gần nguồn nước tưới, cuốc thành từng luống có chiều rộng 60-70cm, đánh rãnh thoát nước. Rải vôi trên nền với liều lượng 200g cho 30m2 nền. Tốt nhất nên chọn nơi trước đó chưa trồng nấm hoặc đã trồng cách 1 vụ và có xử lý nền kỹ để loại bỏ mầm bệnh.
- Nguyên liệu: chọn rơm không bị mốc, không bị nhiễm các bệnh đốm vằn, cháy lá.
- Xử lý nguyên liệu: ủ rơm bằng nước vôi có pH 12-13 trong 3-5 ngày, đảo lại ủ tiếp 3-4 ngày nữa. Nhiệt độ khi ủ rơm phải luôn đảm bảo đạt trên 70oC, ẩm độ 85-90%. Nếu rơm quá ẩm thì trong lúc đảo rơm có thể banh ra hong gió hoặc rơm khô quá thì có thể tưới thêm nước.
- Chất luống: chất rơm thành từng luống rộng 30-35cm, cao 25-30cm, rải meo thành hàng ở giữa luống. Phủ thêm 1 lớp rơm ủ khoảng 5cm trên bề mặt luống. Sau cùng dùng rơm khô phủ bên ngoài làm áo rơm dày khoảng 5-10cm. Khoảng cách giữa 2 luống tốt nhất vừa lọt bàn chân đi để luống này che nắng cho luống kia và giữ độ ẩm tốt.
- Chăm sóc mô nấm: thường xuyên theo dõi và điều chỉnh độ ẩm thích hợp cho nấm phát triển tốt. Nên tưới nấm vào chiều mát hoặc sáng sớm, tránh tưới buổi trưa nấm sẽ bị dộp. Sau khi chất mô nấm kể từ ngày thứ 6 trở đi, mỗi ngày đảo lớp rơm áo 1 lần để sợi nấm không thể phát triển ra lớp áo mô. Đến ngày thứ 8-9 bắt đầu xuất hiện nấm con, tưới nhẹ nhàng 2-3 lần trong ngày với lượng nước vừa đủ ẩm, 5-7 ngày sau sẽ thu hoạch đợt nấm đầu tiên. Như vậy thời gian từ khi chất giồng nấm rơm đến khi thu hoạch nấm lần đầu mất khoảng 15-17 ngày.
* Trồng nấm rơm trong nhà:
Cách chọn nguyên liệu và ủ rơm cũng tương tự như trồng nấm ngoài trời. Khi ủ rơm xong tiến hành ép thành bánh rơm bằng dụng cụ ép, trung bình mỗi bánh rơm có trọng lượng khoảng 4,5kg. Kết hợp cấy meo giống vào bánh rơm với khoảng cách 10x10cm. Bánh rơm sau khi ép được gói kín lại bằng tấm ni-lông trắng và đem ra phơi nắng từ 3-4 giờ để cung cấp nhiệt cho bánh rơm (khoảng 38oC), đem vào nơi thoáng mát. Sau khi ủ 5 ngày, chuyển bánh rơm vào nhà trồng nấm, mở tấm ni-lông và xếp các bánh rơm lên giá đỡ, mỗi bánh cách nhau 3-4cm tạo sự thông thoáng giữa các tầng kệ. Đến ngày thứ 6 sau khi cấy meo, tiến hành tưới đón nấm bằng cách dùng một số dinh dưỡng vi lượng hòa nước phun sương trên bề mặt mô nấm. Không phun thành giọt lớn, tốt nhất nên dùng bình phun và tiến hành vào buổi sáng lúc có nắng nhẹ hoặc chiều mát. Đến ngày thứ 10-12 là có thể thu hoạch đợt nấm đầu tiên, nấm có thể mọc cả mặt trên và mặt dưới của bánh rơm. Thời gian thu hoạch sẽ kéo dài hơn so với khi trồng nấm ngoài trời. Cần lưu ý nên thu hết chân nấm để không gây thối và lây nhiễm cho các tai nấm nhỏ sau này và tiến hành thu 1 lần hết cả đám nấm.
Hỏi: Nguyên liệu trồng nấm bào ngư? Khi trồng nấm bào ngư thì cần chú ý những vấn đề gì, chọn địa điểm như thế nào?
- Đáp (ThS. Ông Tài Thuận): Nguyên liệu trồng nấm bào ngư có thể là rơm tươi, mạc cưa của các loại gỗ thân mềm không có tinh dầu, bã mía…. Meo nấm thì nên chọn các giống nấm đúng tuổi, có màu đồng nhất, không nhiễm nấm bệnh (mốc xanh, mốc đen…), bề mặt các bịch meo nấm đồng nhất không có các sợi nấm lạ xuất hiện. Trồng nấm bào ngư bà con nên chọn địa điểm cách xa các khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, đường giao thông; xây dựng trại tránh hướng gió lùa, vệ sinh và khử trùng tốt. Nước tưới rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất nấm bào ngư. Nên chọn nước tưới tốt, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn sẽ làm quả thể nấm bị dị dạng. Tưới đủ nước, nếu thừa sẽ làm bịch phôi bị úng làm giảm năng suất nấm và là cơ hội cho các nấm mốc lạ tấn công vào.
Qui trình trồng nấm bào ngư cơ bản như sau:
- Chọn nguyên liệu: rơm rạ được làm ướt bằng nước vôi có pH=12.
- Ủ nguyên liệu: dùng ni-lông che xung quanh để nhiệt độ đống ủ trên 70oC, ủ 3-5 ngày thì đảo lại và ủ tiếp 2-3 ngày. Nguyên liệu sau khi ủ phải đảm bảo yêu cầu sau: độ ẩm 65-70% (vắt chặt 1 nắm nguyên liệu chỉ thấy ướt vân tay), có mùi thơm dễ chịu, màu vàng sáng, mềm. Băm rơm rạ thành từng đoạn 5-7cm để chuẩn bị đóng bịch, cấy giống.
- Bịch ni-lông đã được gấp đáy vuông có kích thước 30x40cm, cứ 1 lớp nguyên liệu 3-4cm thì rải meo nấm quanh thành bịch phôi, tiếp tục đóng tương tự như thế cho đến lớp thứ 4 và rải đều meo nấm trên bề mặt bịch phôi. Dùng một lượng bông bằng miệng tách uống nước để làm nút. Bịch đã cấy nấm phải căng tròn, độ nén vừa phải. Trọng lượng mỗi bịch phôi 30x40cm khoảng 2-2,5kg rơm rạ.
Nếu nguyên liệu là mạc cưa hay bã mía, sau khi làm ướt và ủ như rơm rạ thì phối trộn thêm 3% bột cám và 5% bột bắp, cho nguyên liệu vào bịch ni-lông chịu nhiệt, dùng bông không thấm làm nút, cổ nút bằng nhựa chịu nhiệt. Sau đó hấp khử trùng ở nhiệt độ 95-100oC trong 18 giờ. Để nguội, cấy 10-15g meo giống nấm vào bề mặt bịch nguyên liệu.
- Chuyển bịch nguyên liệu đã cấy giống vào nhà ươm. Thời gian ươm sợi tơ khoảng 17-22 ngày, khi thấy sợi tơ ăn kín đáy thì chuyển sang khu vực nuôi trồng. Tháo bỏ nút bông, cột chặt miệng bịt, tiến hành rạch 4-8 vết xung quanh bịch phôi và treo lên chăm sóc. Khi nấm hình thành quả thể chỗ vết rạch, dùng bình phun sương tưới ẩm đều cánh nấm. Chăm sóc, vài ngày sau thì có thể thu hái nấm. Trong giai đoạn này, độ ẩm quyết định năng suất, chất lượng của nấm. Tùy theo lượng nấm ra nhiều hay ít, to hay nhỏ, độ ẩm không khí cao hay thấp để điều chỉnh số lần tưới và lượng nước tưới trong ngày. Nên thu hái nấm tốt nhất khi cánh nấm có đường kính 3-5cm và hái cả cụm. Sau khi thu nấm đợt 1 thì ngừng tưới nước trực tiếp, khoảng 5-7 ngày sau nấm sẽ ra tiếp lần 2. Mỗi đợt nuôi trồng có thể thu hái 3-5 lần nấm.
Nấm bào ngư cho năng suất khá cao, khoảng 60-70% so với nguyên liệu khô. Một bịch nấm bào ngư kích thước 30x40 thì cho khoảng 600-700g nấm tươi. Thời gian từ khi tiến hành trồng nấm bào ngư đến thu hái xong từ 2-2,5 tháng.
* PGS. TS. Nguyễn Bảo Vệ – Trưởng Khoa NN & SHƯD, Trường ĐHCT.
* ThS. Ông Tài Thuận – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng KHCN tỉnh Sóc Trăng.
* Ks. Tiêu Minh Tâm – Trưởng Phòng Chuyển giao kỹ thuật, Công ty CP BVTV An Giang
– Đại diện cho đơn vị phối hợp thực hiện chương trình Nhịp Cầu Nhà Nông
BCT, 9/10/2006
www.vietlinh.vn
Trồng nấm theo công nghệ mới, giảm chi phí, đảm bảo chất lượng nấm sạch
Trung tâm ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc vừa ứng dụng thành công biện pháp sản xuất nấm theo công nghệ mới đưa năng suất nấm tăng từ 30-40%, giảm 60% chi phí lao động, đảm bảo chất lượng nấm sạch. Mô hình được ứng dụng thành công trên 3 loại nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ với diện tích 120 mét vuống. Đối với nấm rơm duy trì nhiệt độ nguyên liệu trồng nấm từ 30-420C, độ ẩm nguyên liệu nuôi trồng từ 60-70%, ánh sáng đạt mức 80lux cho, sử dụng dung dịch Anolyte trong vệ sinh môi trường thường xuyên năng suất đạt 264kg nấm tươi/ 1 tấn nguyên liệu, tăng 100-120kg so với cách trồng thông thường. Đồng thời sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động tiết kiệm được 7 công lao động so với phương pháp tưới thủ công.
Đối với nấm sò duy nhiệt độ thấp hơn từ 20-28 C, giữ nguyên độ ẩm nguyên liệu nuôi trồng từ 63-65% và ánh sáng giữ ở mức 80lux, kết hợp sử dụng dung dịch Anolyte trong vệ sinh môi trường trồng năng suất đạt tới 621,4kg nấm tươi/ 1 tấn nguyên liệu, cao hơn trên 200kg so với cách trồng thông thường. Sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động tiết kiệm được 11 công lao động so với phương pháp tưới thủ công.
Riêng đối với phương pháp trồng nấm mỡ giảm nhiệt độ xuống từ 12-18 C, độ ẩm duy trì ở mức từ 60-75%, ánh sáng chỉ đạt mức 3-8lux, kết hợp sử dụng dung dịch Anolyte trong vệ sinh môi trường trồng nấm, cho năng suất năng suất năng suất đạt 310kg nấm tươi/ 1 tấn nguyên liệu cao hơn so với khi chưa điều chỉnh từ 70-100kg. Sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động tiết kiệm 4 công lao động so với phương pháp tưới thủ công.
Theo tính toán sản xuất liên tục trong 1 năm với 3 loại nấm trên diện tích nhà xưởng 120m2 cho hiệu quả: nấm rơm 1 vụ với 6 chu kỳ (2,5 tháng) lãi 1.190.783 đ, tổng trong 6 tháng sản xuất liên tục lãi 7.144.698đ; nấm sò 1 vụ kéo dài 2,5 tháng, lãi thu được 1.176.858 đ. Đối với nấm mỡ một vụ kéo dài 2,5 tháng, lãi thu được 2.186.476 đ. Tổng thu trong năm đối với sản xuất 3 loại nấm từ mô hình là 10.508.032đ, lãi gấp hai lần so với cách trồng nấm thông thường.
Xây dựng mô hình trông nấm theo công nghệ mới này chi phí rất thấp. Nhà xưởng chỉ cần dùng lá cọ lợp mái, lắp đặt hệ thống ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tiết kiệm điện compac, sử dụng hệ thống tưới phun bán tự động thuận tiện cho việc điều chỉnh độ ẩm. Trung tâm đang tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng nấm bằng phương pháp mới nhằm giảm chi phí, năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
ICARD, 25/3/2008
www.vietlinh.vn
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất và sơ chế, bảo quản nấm trên nguồn nguyên liệu rơm và lục bình
Tận dụng nguồn phế phẩm dồi dào ở khu vực ĐBSCL sau thu hoạch như rơm rạ, bã mía, lục bình, bắp... để trồng nhiều loại nấm như nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo, linh chi…
Nhằm tạo thêm thu nhập đáng kể cho nhiều nông dân sản xuất tại gia đình và nguồn bã nấm sau khi thu hoạch xong làm thức ăn nuôi trùn quế, ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, vừa tiết kiệm chi phí trong sản xuất nông nghiệp vừa giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Dưới sự tư vấn và hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia nấm - ông Lê Duy Thắng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM, Sở Khoa học Công nghệ Long An và Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp thực đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và sơ chế, bảo quản nấm trên nguồn nguyên liệu rơm và lục bình" từ tháng 8/2009 đến tháng 12/2010. Với 6 nông hộ chuyên canh trồng nấm đại diện cho 6 huyện, Tp: ông Nguyễn Văn Dũng (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa), Trần Bá Dũng (Kp. Nhơn Hậu 2, phường Tân Khánh, Tp. Tân An), Lê Văn Mười (ấp Bình Thủy, xã Bình Quới, huyện Châu Thành), Nguyễn Văn Nhiều (ấp Ông Nhan Đông, xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa), Nguyễn Thị Diệu Ngân (ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng), Huỳnh Văn Nhựt (ấp 4, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng). Mô hình tiến hành gồm 6 nghiệm thức (NT) trên nấm rơm và 4 NT trên nấm bàu ngư cho kết quả như sau:
Đối với nấm rơm, NT1: Rơm (100%) không khử trùng nhiệt, NT2: Rơm (70%) + lục bình (30%) không khử trùng, NT3: Rơm (100%) khử trùng nhiệt, NT4: Rơm (70%) + lục bình (30%) khử trùng; NT5: Rơm (100%) thực hiện ngoài trời, NT6: Rơm (50%) +lục bình (50%) thực hiện ngoài trời. Qua thống kê năng suất bình quân của 6 mô hình nông hộ (tính cho 100 bịch phôi), đối với nấm rơm trong nhà NT4 cho năng suất cao nhất 19 kg, NT2 và NT3 năng suất như nhau 17 kg, NT1 là 15 kg. Đối với nấm rơm ngoài trời NT6: 85 kg, NT5: 71 kg. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm tạp nấm rơm NT2 và NT6 chiếm cao nhất (16%).
Đối với nấm bào ngư, NT1: Rơm không khử trùng, NT2: Rơm (70%) +lục bình (30%) không khử trùng, NT3: Rơm khử trùng, NT 4: Rơm (70%) + lục bình (30%) khử trùng. Tính bình quân từ 6 mô hình (dựa trên 100 bịch phôi), NT4 cho năng suất cao nhất là 42 kg, NT 2 và NT3 năng suất bằng nhau 38 kg, NT1 thấp nhất 31 kg. Tỷ lệ nhiễm tạp NT2 cao nhất (20%) và thấp nhất là NT3 và NT4 (5%).
So sánh về giá cả còn tùy thuộc thời điểm, tuy nhiên nấm rơm có thị trường tiêu thụ rộng và giá bán bình quân của 6 mô hình là 22.000 đồng/kg, đối với 100 bịch phôi giống sử dụng trồng nấm rơm, sau khi trừ chi phí đối với nấm rơm trong nhà NT4 lời 175.000 đồng, đối với nấm rơm ngoài trời NT6 lời 988.000 đồng. Còn đối với nấm bào ngư, giá bình quân 16.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí NT4 lời 447.000 đồng. Xét về hàm lượng dinh dưỡng trồng nấm rơm trên nguyên liệu rơm và lục bình: cacbohydrate và protein trên lục bình cao hơn trên rơm; tuy nhiên hàm lượng lipid trên rơm cao hơn trên lục bình. Kết quả phân tích trên nấm bào ngư trồng trên nguyên liệu rơm và lục bình: Lượng Cabohydrate, đạm tổng số, protein trên rơm cao hơn trên lục bình.
Tại điểm tổng kết đánh giá các mô hình tại nhà chị Nguyễn Thị Diệu Ngân, ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng vừa qua. Nhiều bộ kỹ thuật và nông dân trồng nấm thuộc Khu vực Đồng Tháp Mười, huyện Thủ Thừa, Châu Thành, Tp.Tân An đã tham quan mô hình trồng nấm của chị Ngân và tìm hiểu các trang thiết bị lò hấp bịch phôi, dụng cụ sơ chế nấm, máy ép bịch mũ, máy cuốn rơm, máy cắt rơm và lục bình. Chị cho biết có nhiều tiện ích khi sử dụng trang thiết bị: Máy cắt rơm và lục bình giúp dễ đóng bịch phôi nhanh, nguyên liệu dễ phơi và hạn chế nấm bệnh, lò hấp phôi giúp bịch phôi ít bị nhiễm nấm bệnh, khi hấp khử trùng tơ bung nhanh, mạnh hơn không hấp; trồng nấm trong nhà ít tốn nguyên liệu và diện tích đất trồng hơn so với ngoài trời và năng suất cao hơn do ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Theo ý kiến của lãnh đạo nông nghiệp tỉnh Long An, đối với Long An là tỉnh sản xuất nông nghiệp là chính yếu và nguồn nguyên liệu trồng nấm rơm luôn dào dồi, sẽ thuận lợi cho nhà nông tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình sau mỗi vụ mùa. Ngoài việc sản xuất nấm rơm theo lối truyền thống, bà con phải tiếp tục “hiện đại hơn” trong sản xuất nấm, sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu và trang thiết bị máy móc phục vụ; đồng thời đa dạng nguồn nấm.
Bình Minh - Long An, 27/11/2010
www.vietlinh.vn
Kỹ thuật nuôi trồng nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò, nấm hương và mộc nhĩ
Nghề trồng nấm ăn ở nước ta đã và đang phát triển. nhiều hộ nông dân giàu lên nhanh chóng nhờ trồng nấm ăn, đặc biệt trồng nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm. Việt Nam là nước có điều kiện thuận lợi để phát triển nấm ăn-Đó là nguồn nguyên liệu trồng nấm rơm rạ, thân gỗ, mùn cưa, bã mía....có nhiều...
Xem chi tiết
Chia sẻ bài báo này với bạn bè.