Kinh nghiệm trồng đậu tương đạt năng suất cao

Đánh giá: 0 người đã đánh giá bài báo này.
Người viết: khachnonghoc, ngày 7/29/2013, trong mục "TIN NÔNG NGHIỆP"
Tóm tắt: Kinh nghiệm trồng đậu tương đạt năng suất cao

Kinh nghiệm trồng đậu tương đạt năng suất cao

Ở tỉnh Yên Bái, cây đậu tương được trồng chủ yếu trên chân ruộng một vụ không chủ động nước và đất đồi thấp, tập trung ở các huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên các huyện vùng cao, góp phần tăng thu nhập.

Các giống có năng suất, chất lượng cao được trồng như: DT84, DT 96, DT 99… Để trồng và thâm canh đậu tương đạt hiệu quả, nông dân cần quan tâm đến một số biện pháp kỹ thuật.

1. Chọn giống: Chọn các giống đậu tương năng suất cao như: DT84, DT 96, DT99…

+ Lượng giống: 2kg/sào (360m2).

+ Chuẩn bị giống: Hạt giống đảm bảo tỷ lệ nảy mầm trên 85%, độ thuần trên 98%.

2. Thời vụ gieo hạt: Vụ hè thu gieo từ  25/5 - 30/7 (dương lịch); thu hoạch vào tháng 9 -10.

3. Làm đất và lên luống: Yêu cầu đất phải nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại, giữ ẩm và thoát nước tốt.

+ Đất trũng: Cày bừa, tạo luống rộng 1,2m - 1,5m, cao 20cm, rãnh rộng 30cm. Rạch hàng theo 3 hàng dọc hoặc hàng ngang luống, rạch sâu 5 - 7cm, hàng cách hàng 35 - 40cm, hàng ngoài cách mép luống 10 - 15cm,

cây cách cây 10 - 12cm (mỗi hốc gieo 2 hạt). Đảm bảo mật độ 45 - 50 cây/m2.

+ Đất soi bãi thoát nước: Cày bừa tạo luống rộng 2 - 3m, rãnh rộng 30cm hoặc rạch hàng trồng thành băng (mỗi băng rộng 5 - 6m khơi một rãnh thoát nước). Rạch sâu 5 - 7cm, hàng cách hàng 35 - 40cm, cây cách cây 10 - 12cm (mỗi hốc gieo 2 hạt). Đảm bảo mật độ 45 - 50 cây/m2.

+ Đất đồi dốc: Chọn đồi có độ dốc dưới 15 độ, làm sạch cỏ, cày nhỏ đất, sau đó cuốc hốc hoặc rạch hàng sâu 5 - 7cm, hàng cách hàng 35 - 40cm, cây cách cây 10 - 12cm (mỗi hốc gieo 2 hạt). Đảm bảo mật độ 45 - 50 cây/m2.

4. Bón phân: Lượng phân bón cho 1 sào như sau:

- Phân chuồng: 200 - 250kg; lân Supe: 12 - 15kg.

- Kali: 4 - 5kg; đạm urê: 3 - 4kg. Nếu trường hợp đất chua, có thể bón bổ sung thêm vôi bột với lượng 12 - 15kg.

* Cách bón:

- Bón lót toàn bộ phân chuồng + Supe lân + 2 - 2,5kg Kali + 1,5 - 2kg đạm urê rải theo rạch, sau đó lấp nhẹ đất, phủ kín phân (vôi bột bón vãi khi cày bừa làm đất).

- Lượng đạm và kali còn lại bón thúc làm 2 lần:

+ Lần 1: Khi cây có 2 - 3 lá thật.

+ Lần 2: Khi cây có 5 - 6 lá thật.

5. Gieo hạt:

- Trước khi gieo nên phơi lại hạt giống dưới nắng nhẹ 3 - 4 giờ. Gieo lúc có mưa nhỏ, đất ẩm, nếu đất khô nên tưới vào rạch để hạt dễ nảy mầm. Gieo hạt cách xa phân bón lót 2 - 3cm, nếu để hạt tiếp xúc với phân, mầm sẽ bị chết. Khi gieo xong cần lấp một lớp đất dày 1 đến 2cm phủ kín hạt.

6. Chăm sóc:

- Sau trồng 3 - 5 ngày, tiến hành kiểm tra trồng dặm những chỗ mất khoảng.

+ Vun xới lần 1: Khi cây có 2 - 3 lá kép, tiến hành tỉa định cây đảm bảo mật độ 45 - 50 cây/m2. Dùng cuốc xới xáo tạo điều kiện cho đất tơi xốp, bộ rễ phát triển thuận lợi, vi khuẩn nốt sần sớm cộng sinh, làm sạch cỏ dại.

Bón thúc lần 1: Bón 1kg đạm/sào + 1 - 1,5kg kali/ sào, bón cách gốc 5 - 7cm, sau đó vun gốc và lấp kín phân (Chú ý: không để phân dính bám trên lá làm cháy lá và chết cây).

+ Vun xới lần 2: Tiến hành trước khi đậu tương ra hoa sau lần 1 khoảng 12 - 15 ngày, xới sâu 5 - 7cm, sạch cỏ dại.

Bón thúc lần 2: Từ 1 - 1,5kg kali/sào + 1kg đạm/sào, bón cách gốc 10 - 12cm kết hợp vun cao, chống đổ cho cây.

+ Tưới tiêu nước: Đậu tương là cây trồng cạn nhưng kém chịu hạn. Nhu cầu nước của cây lớn nhất vào thời kỳ ra hoa, làm quả. Ngoài việc tưới nước cho đậu tương, trong vụ hè, lượng mưa nhiều, cần chú ý thoát nước kịp thời, nếu ngập úng lâu cây vàng héo, hoa quả rụng nhiều, dẫn đến năng suất thấp.

7. Phòng trừ sâu bệnh:

- Sâu hại: Đậu tương thường bị dòi đục thân, lá, sâu khoang, sâu xanh, rệp, sâu đục quả…

Phòng trừ: Sâu xanh, sâu đục quả bằng Bestox 5EC, Ofatox 400EC nồng độ 0,2%. Trừ bọ xít bằng Padan 95SP, Dipterex 0,1 - 0,15%. Thời gian phun khi cây có 2 lá đơn và 4 - 5 lá thật. Phun vào lúc chiều mát.

- Bệnh hại: Bệnh gỉ sắt, sương mai, thối rễ, cháy lá, đốm nâu vi khuẩn…

Phòng trừ: Dùng giống chống bệnh, bón phân cân đối, luân canh cây trồng. Dùng thuốc hóa học trừ bệnh gỉ sắt, đốm nâu phun Zinep 0,5% hoặc Boocdo 1%.

8. Thu hoạch, bảo quản, để giống.

- Chọn cây làm giống: Cần chọn cây có hoa, lông, quả cùng màu.

- Kỹ thuật phơi ủ cây: Sau khi thu hoạch về, rải cây trên sân phơi tái một nắng, đêm ủ đống không quá 1 mét, sau đó đem phơi đập lấy hạt đợt 1, phơi khô trên nong, nia để giống cho vụ sau (nếu vụ đang trồng là giống nguyên chủng, cấp 1 hoặc cấp 2). Số quả còn lại ủ đống tiếp 2 ngày, sau đó đem phơi rồi đập thu toàn bộ hạt.

- Phơi hạt và bảo quản giống:

+ Không phơi hạt giống trên sân gạch, sân xi măng. Không phơi quá nắng, hạt cắn giòn không dính răng, phơi khô để nguội mới đưa vào bao tải hoặc chum vại lót lá chuối khô dưới đáy và trên miệng để bảo quản.

+ Giống đậu tương có thể dùng trực tiếp từ vụ trước sang vụ sau, tạo điều kiện giảm giá giống, tăng tỷ lệ nảy mầm.

Nguyễn Thị Hằng - Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, Báo Yên Bái, 17/5/2013

 

4 giống đậu tương mới

Hội đồng Khoa học Bộ NN-PTNT đã công nhận 4 giống đậu tương mới, trong đó có 2 giống đậu tương ăn hạt: DT2001 – chính thức, DT2008 – sản xuất thử và 2 giống đậu tương rau (đậu nành lông): DT02 – chính thức, DT08 – sản xuất thử do Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo.

1. Giống đậu tương DT2001

Là giống lai giữa DT84 (mẹ) x DT83 (bố), hoa tím, lá hình tim nhọn, màu xanh đậm, lông nâu nhạt. Cây sinh trưởng khỏe, thời gian sinh trưởng phía Bắc 90 – 97 ngày, phía Nam 80 – 85 ngày. Cây phân cành vừa phải, phù hợp trồng thuần, quả chín màu vàng rơm, số quả chắc trên cây 35 – 280 quả. Năng suất thực tế 20 - 39 tạ/ha (cao hơn DT84 từ 10 – 15%). Chống đổ khá, chống các bệnh gỉ sắt, sương mai, đốm nâu vi khuẩn, lở cổ rễ khá. Chịu nhiệt tốt, chịu lạnh khá. Tỷ lệ protein cao: 43,1%, dầu béo trung bình: 18,4% và đường bột 26,9%.

Giống thâm canh, thích ứng rộng, trồng được 3 vụ/năm, được phép sản xuất trên địa bàn cả nước. Tại các tỉnh phía Bắc có thể bố trí trong các cơ cấu cây trồng:

Lúa lai xuân + đậu tương hè thu DT2001 + ngô đông.

Lúa xuân + lúa mùa trung + đậu tương đông DT2001.

Ngô xuân (lạc xuân, rau, hoa xuân) + đậu tương hè thu DT2001 + ngô đông.

Đất bỏ hoá 1 vụ ở miền núi, trung du: DT2001 xuân (từ 1 - 15/3) + lúa mùa; hoặc: Ngô xuân hè + DT2001 hè thu.

+ Các tỉnh phía Nam: DT2001 có TGST 80 – 85 ngày có thể áp dụng chung lịch thời vụ như các giống đậu tương khác.

2. Giống đậu tương chịu hạn DT2008

Là giống lai giữa DT2001 x HC100 (gốc Mehico) kết hợp đột biến và chọn lọc theo tiêu chuẩn thích ứng và chống chịu. Có hoa tím, lông nâu, vỏ quả vàng, hạt vàng to (khối lượng 1.000 hạt: 200 – 260 g), rốn hạt màu đen, chất lượng tốt: protein: 40%. Thuộc dạng hình cao cây, phân cành khỏe, số quả chắc trên cây từ 35 – 200 quả, tỷ lệ hạt/quả từ 2,0 – 2,2, năng suất 20 – 40 tạ/ha, có khả năng chống chịu tổng hợp với nhiều yếu tố bất lợi của sản xuất: hạn, úng, nhiệt độ, các loại bệnh, đất nghèo dinh dưỡng, cho năng suất cao 1,5 – 2 lần so với các giống cũ như DT84 trong các điều kiện sản xuất khó khăn của vụ xuân, vụ đông, các vùng khô hạn, lạnh. - DT2008 có thể sử dụng trong các cơ cấu cây trồng ở phía Bắc:

Lúa xuân + lúa mùa trung + đậu tương đông DT2008 (gieo trước 25/9 DL).

Ruộng cao hạn: Đậu tương xuân DT2008 (gieo 25/1 – 10/2) + lúa mùa + ngô đông.

Tại các tỉnh phía Nam: DT2008 có TGST 95 ngày có thể áp dụng chung lịch thời vụ như các giống đậu tương khác tại các thời vụ: hè thu (vụ II – gieo tháng 7 – 8, thu tháng 10 – 11 vào đầu mùa khô), vụ đông xuân trong mùa khô (gieo các tháng 9 – 2, thu tháng 1 – 5).

3. Giống đậu tương rau chịu nhiệt DT02

Là giống nhập nội kết hợp chọn thuần, khác với các giống đậu tương rau nhập nội khác, giống có khả năng chịu nhiệt, chống chịu khá với sâu bệnh, thích ứng rộng, có thể trồng được 3 vụ/năm (xuân, hè, đông) trên nhiều vùng sinh thái. DT02 có lông trắng, kích thước quả 2 hạt lớn, hạt to, hàm lượng dinh dưỡng cao (tỷ lệ protein hạt non: 11,5%, hạt khô: 38,1%), tỷ lệ quả 2 + 3 hạt lớn ( > 85%), số quả tiêu chuẩn/500 g < 175 đáp ứng tiêu chuẩn đậu tương rau thương phẩm của thị trường thế giới, năng suất quả xanh thương phẩm cao (8 – 10 tấn/ha), năng suất hạt khô ổn định trong cả 3 vụ 18 – 22 tạ/ha. Thời gian thu quả non 80 – 85 ngày và thời gian chín hạt khô 95 ngày.

- Hướng sử dụng: Các sản phẩm từ giống DT02 như quả non, hạt non, hạt khô phục vụ thị trường nội địa và thị trường nước ngoài dễ tính như Trung Quốc. Hạt già sử dụng hầm nấu, bánh kẹo, sữa đậu nành cao cấp. DT02 có thể bố trí vào các cơ cấu cây trồng thâm canh, tăng vụ như:

Trên đất lúa 3 vụ: Lúa lai xuân + đậu tương rau DT02 + ngô lai.

Trên đất lúa 3 vụ: Lúa xuân + lúa mùa trung + đậu tương rau đông DT02.

Trên đất màu 3 vụ: Ngô xuân (lạc xuân, rau, hoa xuân) + đậu tương rau hè thu DT02 + ngô đông (rau, hoa đông).

Trên đất bỏ hoá 1 vụ ở miền núi, trung du: DT02 xuân (từ 1 - 15/3) + lúa mùa; hoặc: Ngô xuân hè + DT02 hè thu.

Tại các tỉnh phía Nam, DT02 có thể tham gia vào các cơ cấu cây trồng tương tự như các giống đậu tương khác.

4. Giống đậu tương rau chịu nhiệt chất lượng cao DT08

Là giống lai giữa DT02 x KaoShung 75 có nhiều đặc tính ưu việt như chịu nhiệt, dạng cây và lá gọn, góc phân cành nhỏ, khả năng chống đổ được cải thiện, chống chịu sâu bệnh khá, thích ứng rộng, có thể trồng được 3 vụ/năm (xuân, hè, đông) ở mật độ dày. DT08 có lông trắng, kích thước quả 2 hạt lớn, hạt to, hạt non màu xanh đậm, hạt già màu xanh, tỷ lệ quả 2 + 3 hạt lớn ( > 75%), số quả tiêu chuẩn/500 g < 175 đáp ứng tiêu chuẩn đậu tương rau thương phẩm của thị trường thế giới, thời gian thu hạt non 75 – 80 ngày và thời gian thu hạt khô 90 ngày, năng suất quả xanh thương phẩm cao (8 – 12 tấn/ha), năng suất hạt khô khá (20,0 – 22,0 tạ/ha). Nhược điểm của giống: Chống chịu bệnh đốm nâu ở mức trung bình.

Tại các tỉnh phía Bắc: DT08 có thời gian sinh trưởng ngắn 80 – 90 ngày đạt năng suất cao, có thể bố trí vào các cơ cấu cây trồng.

Trên đất lúa 3 vụ: Lúa lai xuân + đậu tương rau DT08 + ngô lai.

Trên đất lúa 3 vụ: Lúa xuân + lúa mùa trung + đậu tương rau đông DT08.

Trên đất màu 3 vụ: Ngô xuân (lạc xuân, rau, hoa xuân) + đậu tương rau hè thu DT08 + ngô đông (rau, hoa đông).

Trên đất bỏ hoá 1 vụ ở miền núi, trung du: DT08 xuân (từ 1 - 15/3) + lúa mùa; hoặc: Ngô xuân hè + DT08 hè thu.

Tại các tỉnh phía Nam: Thời vụ, bố trí cơ cấu cây trồng tương tự như các giống đậu tương khác.

KIM CHÂU - Nông Nghiệp VN, 16/02/2011

www.vietlinh.vn

 

Kinh nghiệm làm giống đậu tương hè rút ngắn thời vụ

Thời vụ trồng đậu tương hè giữa hai vụ lúa thường rất ngắn. Nếu trồng đậu tương hè trên chân ruộng thu hoạch lúa muộn, bà con cần làm mạ đậu tương. Làm mạ đậu tương hè cho phép rải vụ, rút ngắn thời vụ được 5-7 ngày. Nông dân Hiệp Hoà có cách làm mạ đậu tương hè rất hay, xin mách bà con:

Lượng giống đậu tương cần 1,5 - 2kg/sào. Thường sử dụng các giống ngắn ngày như DT 99 hoặc DT 12. Giống đậu tương DT 99 và DT 12 trồng được cả ba vụ, xuân -hè và thu đông có đặc điểm thân mập, chống đổ tốt, chiều cao cây 50-55cm. Thân cây non màu xanh trắng, hoa màu trắng. Thời gian sinh trưởng vụ hè từ 72-75 ngày. Năng suất trung bình 16 - 18 tạ/ha.

Làm mạ đậu tương: Cần 5-6m2 đất mạ cho 1 sào. Dùng cát 70% + đất màu 30%, tạo độ xốp, trộn thành lớp đất dày 10 cm trên nền đất cứng. Sử dụng 1,5-2kg giống làm mạ cho 1 sào. Trải đất + cát dày 8cm, dùng ô doa tưới đẫm nước. Gieo hạt đậu cách nhau 1-1,5cm rồi dùng đất cát phủ dày 1-1,5cm. Dùng bình bơm bông sen phun ẩm nhẹ, không để đọng nước trên bề mặt. Nếu gặp mưa cần dùng nilon che đậy kín. Sau khi hạt nảy mầm 3 ngày tưới nhẹ mỗi ngày một lần bảo đảm độ ẩm 70-75%. Tiến hành nhổ khi cây 6-10 ngày tuổi, có 1-2 lá thật (bứng đất rũ nhẹ). Chú ý cấy đậu tương vào buổi chiều để cây đỡ chột, cấy 2-3 cây/hốc theo khoảng cách như đã định. Đất ướt dùng thêm một nắm đất khô bỏ vào gốc ấn cho chặt gốc, đất khô lấp đất nhỏ xung quanh rồi dùng ô doa tưới đẫm, chăm sóc bình thường.

Lưu ý: Trước khi nhổ cấy 1-2 ngày, bà con cần phun phòng dòi đục thân và bệnh lở cổ rễ hại cây con bằng thuốc Padan 95SP hoặc Regent 800WG + Anvil 5-10EC hoặc Validamycin 3-5SL. Cần chăm sóc đậu tương cấy bằng cây con khẩn trương, tưới 3-4kg đạm urê +10-15kg supe lân +2kg kali clorua làm 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày sau khi cây đậu đã bén rễ hồi xanh, hoà loãng phân khoáng với nước sạch để tưới. Sau khi tưới phân khoáng cần dùng ô doa tưới lại nước sạch lên tán lá để rửa phân cho khỏi cháy lá non.

Bắc Giang, 11/6/2008

www.vietlinh.vn

 

Phòng trị sâu bệnh hại đậu tương đông

Từ nhiều năm nay, tại các huyện ngoại thành Hà Nội, cây đậu tương luôn được chọn là cây chủ lực trong vụ đông.

Để giúp bà con có thêm kinh nghiệm trong việc phòng chống sâu bệnh hại đậu tương, chúng tôi xin giới thiệu phương pháp sau:

1. Đối với sâu hại

Đối với nhóm dòi đục thân, sâu đục quả, sâu ăn tạp..., cách phòng trừ với các đối tượng này là dùng Basudin 10H hay Regent 3G rải trong lúc gieo hạt (20kg/ha). Nếu thấy xuất hiện nhiều thì dùng các loại thuốc trừ sâu như Regent 800WG, Fastac 5EC, Ofatox 400EC, Basudin 40EC... pha nồng độ 0,15% để phun trừ.

Đối với sâu đục quả: Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như luân canh, trồng trái vụ, cày bừa, ngâm nước sau khi thu hoạch để diệt hết nhộng tránh lây nhiễm cho vụ sau. Trước khi cây trổ hoa nên phun ngừa bằng các loại thuốc trừ sâu để diệt bướm trứng và sâu non.

2. Các bệnh hại chủ yếu

Bệnh hại đậu tương có nhiều, như bệnh gỉ sắt, sương mai, thán thư, lở cổ rễ, virus, đốm nâu, thối hạt, chết héo... nhưng giai đoạn này bà con cần đặc biệt chú ý một số loại bệnh sau đây:

- Bệnh gỉ sắt:

Do nấm Uromyces appendisculatus gây ra, thường gây hại nặng trên lá, thân và quả trong điều kiện ẩm độ cao (trên 90%), trời nhiều sương mù, thiếu ánh sáng. Bệnh xuất hiện đầu tiên từ những lá già sát mặt đất rồi lan dần lên các lá phía trên làm cho mặt lá có đốm vàng nhạt và bào tử màu xám ở dưới mặt lá. Nếu bị nặng cây quang hợp kém, năng suất giảm sút nghiêm trọng, thậm chí thất thu, hạt lép, chất lượng kém.

- Bệnh sương mai:

Là bệnh hại phổ biến ở nhiều vùng trồng đỗ tương tập trung. Bệnh hại chủ yếu trên lá làm cho vàng, khô và rụng dẫn đến cây sinh trưởng, phát triển kém làm giảm năng suất, chất lượng hạt.

- Bệnh thán thư:

Do nấm Colletotrichum lindemuthianum gây ra và gây hại trong tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây từ khi nẩy mầm cho đến khi hình thành quả. Trên các lá, cuống lá, thân, quả và ngay cả trên hạt cũng xuất hiện nhiều chấm nâu đen hoặc vàng nâu hơi lõm xuống. Bệnh thường phát sinh, phát triển trong điều kiện ẩm độ bão hoà (95-100%), nhiệt độ 16-120 độ C. Nếu ẩm độ dưới 80%, nhiệt độ trên 27 độ C hoặc dưới 13 độ C thì bệnh sẽ ngừng phát triển. Bệnh có thể tồn tại chủ yếu ở hạt giống, trên tàn dư cây bệnh, trong đất từ 1-2 năm.

Biện pháp phòng trừ:

Cần chú ý các biện pháp phòng trừ tổng hợp mới có hiệu quả như trồng bằng các giống kháng bệnh, trồng luân canh với các loại cây trồng khác họ, thu dọn hết tàn dư cây bệnh sau thu hoạch; bón phân cân đối, kịp thời, làm sạch cỏ dại, xới xáo, phá váng, khơi thông mương rãnh tránh úng ngập sau mưa, sau khi tưới để làm giảm độ ẩm đất và xử lý hạt giống bằng các loại thuốc chống nấm trước khi gieo như Rovral, Thiram. Phun phòng bằng các loại thuốc trừ nấm nội hấp mạnh như Aliette 80WP, Ridomil 68 WP nồng độ 0,15-0,3%, Boóc đô 1%, các thuốc có gốc đồng. Thời điểm phun tốt nhất là vào thời kỳ cây có 4-5 lá kép đến trước khi ra hoa. Các loại thuốc có gốc đồng không nên phun khi đang làm nụ và ra hoa, ảnh hưởng đến năng suất.

Bá Trung - Kinh tế đô thị, 01/12/2009

www.vietlinh.vn

 

Kỹ thuật gieo trồng đậu tương đông trên đất ướt

Chuẩn bị giống:

- Giống trung ngày (gieo trước 30/9): Dùng các giống đậu tương 3 vụ (chuyển từ vụ hè giá giống rẻ, tỷ lệ nảy mầm cao): DT-84, DT-96, DT-90, DT-2001, DT55 (AK-06). Ngoài ra dùng các giống chuyển từ vụ xuân: AK05, VX92, VX93, Đ9804, DN42... Các giống này có thời gian sinh trưởng 84 – 95 ngày. Năng suất 60 – 85 kg/sào (16 – 24 tạ/ha).

- Giống ngắn ngày (gieo trước 5/10): DT-99, ĐT12, AK03 có TGST 70 – 75 ngày, năng suất 50 – 60 kg/sào (13 - 16 tạ/ha).

- Lượng giống gieo: 2,5 kg/sào (65 - 70 kg/ha), tỷ lệ nảy mầm phải đạt trên 85%. Trước khi gieo nên phơi 2 – 3 giờ ngoài nắng nhẹ kích thích hạt nảy mầm.

Quy trình kỹ thuật:

- Mật độ cây vụ đông: Giống trung ngày 45 - 55 cây/m2 (hàng cách hàng 30 cm x hốc cách hốc 12 cm/gieo 2- 3 hạt ). Giống ngắn ngày: 55 – 65 cây/m2 (30 x 10 cm/gieo 2 – 3 hạt/hốc).

- Chọn đất, làm đất, gieo hạt, lấp hạt: Chọn đất chủ động tưới tiêu, thịt nhẹ, ít chua. Để trồng vụ đông đạt năng suất cao, đất lúa mùa giải phóng trước 30/9 muộn nhất đến 5/10 dương lịch. Áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu đối với đất ướt: Cày và lên đất thành luống, san phẳng mặt để bảo đảm thoát nước tốt. Bề mặt luống rộng 1,2 m, rãnh: Rộng 30 - 40 cm,sâu 20 - 25 cm. Rạch luống gieo hạt : Dùng đòn gánh hoặc thanh gỗ nặng hình tam giác chém ngang luống hoặc dùng cuốc tạo thành rạch ngang sâu 2 - 3 cm, rạch cách nhau 30 cm. Tra hạt: Theo hốc 2 – 3 hạt với mật độ 7 – 12 cm hốc cách hốc. Dùng số hạt thừa khoảng 100 gr, nên gieo thêm 1 m2 mạ ở đầu bờ để dặm sau 5 - 7 ngày khi gieo (khi cây con chưa có lá nhặm) vào các chỗ khuyết mật độ.

Lấp hạt: Dùng hỗn hợp gồm phân chuồng ủ hoai mục + lân trộn thêm trấu và đất màu khô theo tỷ lệ 3 đất : 2 phân + trấu để lấp hạt với độ sâu 1 – 2cm.

Nếu đất ruộng lúa bằng phẳng, tưới tiêu chủ động có thể áp dụng phương pháp gieo thẳng vào gốc rạ: Cắt rạ sát đất, dùng cày vét xung quanh ruộng, cày rạch luống thoát nước, cứ 1,5 m/ 1 luống, mỗi gốc rạ tra 2 hạt, dùng nửa nắm hỗn hợp đất trộn phân úp lên trên, sau 3 – 4 ngày hạt sẽ mọc. Cách này tuy nhanh, nhưng năng suất thấp hơn cách làm đất tối thiểu, nếu gặp mưa to dễ gây úng, khó thoát nước.

- Bón phân, chăm sóc: 1 sào Bắc bộ dùng 4 kg đạm + 10 kg lân supe + 3 - 5 kg kali + 10 kg vôi bột (nếu đất chua) + 250 kg phân chuồng hoặc 20 kg NPK (5:10:3). Đậu tương đông sinh trưởng vào thời gian ngày ngắn, nên ra hoa kết thúc sinh trưởng sớm, để đạt năng suất cao cần bón thúc chăm sóc sớm ngay từ 12 ngày sau gieo khi cây bắt đầu ra lá nhặm: Dùng số đạm và kali hoặc NPK còn lại pha nước phân chuồng ngâm phân lân và đạm urê pha loãng tưới làm 5 lần, cách nhau 2 – 3 ngày, 2 đợt tưới cuối cùng cần pha thêm kali để thúc ra hoa đậu quả tốt. Luôn giữ đủ ẩm cho đất bằng cách tưới tràn kết hợp tưới nước phân thủ công, không được để đất nứt nẻ gây bó rễ, cây khó phát triển. Nếu có điều kiện đất khô ráo có thể bổ sung xới xáo, vun nhẹ gốc, tưới thúc cho cây phát triển.

- Phòng trừ sâu hại: Sau khi gieo 9 ngày (5 ngày sau khi mọc) phải kịp thời phun thuốc chống ròi đục thân bằng cách pha thuốc Dipterex 2 phần nghìn trộn với 1 phần nghìn Padan (một bình bơm 10 lít pha 2g Dipterex và 1 g Padan), sau 3 – 5 ngày phun kép lần II, lúc cây có 6 – 8 lá phun thuốc trừ sâu ăn lá (có thể phun kết hợp với các chế phẩm bón lá để tăng năng suất), vào giai đoạn tắt hoa phải phun phòng trừ sâu đục quả bằng Ofatox, Reagent 2 phần nghìn đề phòng trừ sâu đục quả...

www.vietlinh.vn

 

Trồng đậu tương đông theo cách của nông dân Phú Xuyên (Hà Tây)

Chuẩn bị giống, thời vụ:

Dùng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng rộng kháng bệnh cao, chịu thâm canh và năng suất cao, chất lượng tốt gồm:

– Giống AK06, AK 03, DT 99, DT 12, trồng đến 10/10.

Đậu tương vụ đông gieo trồng càng sớm năng suất càng cao.

– Lượng giống: 2,5 – 3kg/sào.

Chuẩn bị đất: 

– Chọn chân vàn, vàn cao, chủ động tưới tiêu, đất có thành phần cơ giới nhẹ càng tốt.

– Khẩn trương rút nước trước thu hoạch 11 – 12 ngày.

– Thu hoạch lúa chín hoa ngâu, thu hoạch gọn cánh, thu hoạch đến đâu gieo trồng vụ đông đến đấy theo hình thức cuốn chiếu với phương châm "sáng thu lúa, chiều trồng đậu tương" tranh thủ thời vụ và ẩm độ đất.

Biện pháp gieo trồng (có 3 phương pháp) 

– Phương pháp gieo vãi: Sau thu hoạch tạo rãnh thoát nước, ruộng phẳng cày 1 xá dọc ruộng tạo rãnh, ruộng không phẳng 2m cày 1 xá tạo rãnh thoát nước. Phân lượng giống tương ứng 3kg/sào để gieo đều. Ẩm độ ruộng gieo vãi đảm bảo đứng còn lún chân, gieo đến đâu dùng công nông gắn bánh lồng chạy đè đậu ngay trong ngày, không để qua ngày.

– Phương pháp tra rạch: Gặt sát gốc rạ, sau gặt tạo rãnh thoát nước bằng cày, cuốc, các rãnh cách nhau 1,5m (bằng bề ngang luống). Sau đó dùng nông cụ tạo rạch ngang luống sâu 2–3cm, các rạch cách nhau 30–35cm và tra hạt vào rạch, hạt cách hạt 3–5cm.

– Phương pháp tra gốc rạ: Thu hoạch lúa xong tạo rãnh thoát nước như trường hợp gieo vãi. Dùng tay gạt nghiêng gốc rạ, tra mỗi gốc rạ 1 –2 hạt vào kẽ, tiếp xúc giữa đất và gốc rạ, tuyệt đối không tra vào giữa gốc rạ hạt đậu sẽ không hút được ẩm để nảy mầm.

* Lưu ý: Dùng phương pháp gieo nào cũng đảm bảo mật độ 50 cây/m2 là hợp lý.

Phân bón: – Lượng phân bón: (kg/sào)

+ Phân chuồng: 200kg

+ Urê: 3kg

+ Lân: 10kg.

+ Kali: 3kg

Phân chuồng ngâm vào hố ở góc ruộng. Nếu đất chua bón lót 15kg vôi bột/sào.

Cách bón:

+ Thúc lần 1: (Đậu có 1 lá thật) : Lân 5kg + đạm 1,5kg + nước phân chuồng hòa đều tưới.

+ Thúc lần 2: (Đậu có 3 – 4 lá): Lân 5kg + đạm urê 1,5kg + kali 1,5kg. Hòa nước phân chuồng tưới đều.

+ Thúc lần 3: (Đậu có 5 – 6 lá) : Kali 1,5kg, phân chuồng tưới đều.

Phải tưới bón tập trung sau 23 ngày phải bón xong toàn bộ các loại phân cho đậu.

Chăm sóc đậu tương:

 – Chế độ nước: Tuyệt đối không để đậu bị úng nước giai đoạn từ gieo đến trước khi có lá thật và giai đoạn ra hoa tạo quả. Giữ đủ ẩm để đậu phát triển.

– Làm cỏ cho ruộng đậu: Các đợt bón thúc kết hợp cắt cỏ dại, đắp vào gốc đậu để cỏ, không cạnh tranh dinh dưỡng lúa. Đồng thời bổ sung màu và giữ ẩm cho đậu.

– Phòng trừ sâu bệnh, chuột hại:

+ Tiến hành diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp: Biện pháp canh tác, thủ công, sinh học và hóa học.

+ Dùng thuốc Padan, Nuvăc, Dipterex diệt rệp, sâu đục quả, sâu ăn lá, ròi lá...

+ Dùng thuốc Zinheb, Tilsupper diệt gỉ sắt, sương mai, đốm nâu hại lá đậu. Dùng Validamicin để trị lở cổ rễ đậu...

www.vietlinh.vn

 

Kỹ Thuật Trồng Đậu Tương Đạt Năng Suất Cao

Cây đậu tương là cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế lại dễ trồng. Sản phẩm từ cây đậu tương được sử dụng rất đa dạng như dùng trực tiếp hạt thô hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa đậu nành, okara... đáp ứng nhu cầu đạm trong khẩu phần ăn hàng ngày... Xem chi tiết


Chia sẻ bài báo này với bạn bè.


Ý kiến bạn đọc

Viết bình luận của bạn
Name:
E-mail:
Lời bình:
Insert Cancel


Các bài báo cùng chuyên mục Các bài báo cùng chuyên mục

Trồng rau đậu, hoa màu


Cây làm thuốc, con làm thuốc

Rau hoa quả làm thuốc (Thảo dược)


Nước tưới và tưới nước

Tưới nước và tiết kiệm nước tưới

Bảo quản, chế biến sau thu hoạch



































NÔNG HỌC TRÊN FACEBOOK
HÃY KẾT NỐI VỚI NÔNG HỌC
Giỏ hàng

Bạn chưa bỏ gì vào giỏ hàng

Lịch sử hóa đơn

GIÁ NÔNG SẢN

Xem giá các mặt hàng khácXem giá các mặt hàng khác

HOA LAN BÍ KÍP

Hoa Lan Bí Kíp #60
Chiêu số 60: Khi tưới nước, đặt chậu lan trên đĩã hứng hoặc đem lại bồn rửa chén và tưới cho đến khi nước hoàn toàn chảy qua lỗ chậu.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #19
Chiêu số 19: Nếu bạn đang định trồng cây lan Hồ-Điệp trên một nhánh cây thì cây nhánh cây bưởi là tốt nhất.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #81
Chiêu số 81: Tưới nước tùy thuộc vào nhiệt độ và vật liệu trồng lan và chậu to hay nhỏ.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #30
Chiêu số 30: Dùng một thìa cà-phê Epsom Salt cho mỗi gallon nước coi như phụ với Magnesium, tưới mỗi ba tháng để làm tan rã chất muối tồn đọng trong chất trồng lan.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #54
Chiêu số 54: Phân chia cây là một vấn đề. Cần lưu ý là cây càng lớn thì cho ta càng nhiều giò hoa.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #10
Chiêu số 10: Cây lan có thể xuống giá rất nhanh. Hiện tại mong muốn sở hữu độc quyền một cây lai rất khó vì công nghệ nuôi cấy lan bây giờ phát triển quá nhanh.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #29
Chiêu số 29: Khi vo gạo, bạn hãy giữ nước gạo lại và phun nhẹ cho lan. Làm như vậy coi như bạn đang tưới cho cây sinh tố B1, hữu hiệu chẳng khác nào Superthrive. Nhưng đừng dùng khi nước vo gạo đã chua.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #15
Chiêu số 15: Bạn có thể ngắm đã con mắt hoa của những cây đơn thân nếu trồng chúng chung với nhau trong một chậu lớn thay vì trồng riêng mỗi cây vào một chậu nhỏ.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #84
Chiêu số 84: Trong nhà thường có độ ẩm rầt thấp 10-30% không thích hợp với lan. Lan đòi hỏi một độ ẩm tối thiếu là 40%.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #5
Chiêu số 5: Bất cứ giá thể nào cũng có thể trồng lan nếu điều khiển nước hợp lý.



theo hoalanvietnam.org

chợ nông sản

Hãy khám phá chức năng mới của chúng tôi: tạo gian hàng, đăng sản phẩm để rao bán trực tuyến một cách miễn phí.

Cơ hội để bạn mở rộng kinh doanh, tìm kiếm đối tác và tăng doanh số nhanh nhất.

Bạn cũng đang kinh doanh trong lĩnh vực nông sản?

Tham gia ngay

KỸ THUẬT THỦY SẢN

Kỹ thuật nuôi tôm



Kỹ thuật nuôi cá


Các chuyên đề khác

Video clip nông nghiệp, thủy sản
Hỏi - đáp, thảo luận
Tin tức về các kỹ thuật mới
Các cơ quan khuyến nông - ngư
Các cơ sở đào tạo & nghiên cứu
Sách, giáo trình và website

WEBSITE LIÊN KẾT