Kinh nghiệm chăm sóc bưởi da xanh
|
|
Đánh giá: 0 người đã đánh giá bài báo này.
Người viết: khachnonghoc,
ngày 7/29/2013,
trong mục "
TIN NÔNG NGHIỆP"
Tóm tắt: Kinh nghiệm chăm sóc bưởi da xanh
Kinh nghiệm chăm sóc bưởi da xanh
Người phụ nữ đầu tiên mang giống bưởi da xanh ở Bến Tre về trồng ở vùng đất đỏ ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương là chị Nguyễn Thanh Thủy. Nay chị là chủ trang trại trồng bưởi lớn nhất miền đông Nam bộ, chuyên cung cấp giống cho nông dân và bưởi thương phẩm cho hệ thống siêu thị Metro và Lottle, một ngày bán khoảng 10 tấn bưởi da xanh.
Chị Thủy cho hay: “Cây bưởi da xanh rất dễ trồng, trồng trên nhiều loại đất, nếu so với miền Tây thì trồng bưởi ở Đông Nam bộ thuận lợi hơn nhiều, không bị nước triều cường, chi phí công tưới thấp hơn, năng suất cao hơn, màu sắc cũng đẹp hơn, đặc biệt là có thị trường tiêu thụ lớn”.
Qua nhiều năm lăn lộn với nghề trồng bưởi, chị đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và muốn chia sẻ với mọi người.
Chọn giống: chọn mua giống bưởi da xanh ở những cơ sở có uy tín, cây khỏe mạnh, không bị bệnh.
Cách trồng: đào hố rộng 1 m, sâu 40 cm; hàng cách hàng 4 m, cây cách cây 6 m. Bỏ khoảng 1 kg vôi bột xuống hố để khử chua và sát trùng hố, 20 ngày sau trộn 10 - 15 kg phân chuồng hoai mục với đất cho xuống hố (san bằng mặt đất). Moi một lỗ nhỏ ở giữa trộn 1/2 kg lân và 100 g thuốc sát trùng cho xuống rồi hạ cây giống, lấp đất ngang mặt bầu, lèn chặt, xung quanh cắm que tre, dùng dây nylon cột lại để định vị, phủ cỏ vào gốc để che nắng và giữ ẩm.
Chăm sóc: cây bưởi mới trồng ngày tưới 2 lần, 1 tháng sau bón mỗi gốc một nắm phân urê để nhử, một năm bón 4 lần. Từ khi trồng tới năm thứ hai cây bắt đầu ra trái, vặt bỏ trái non không cho phát triển. Năm thứ ba bắt đầu thu hoạch (lưu ý từ năm thứ ba không nên bón phân hóa học) nên sử dụng phân chuồng và phân vi sinh bón lá để bổ sung đầy đủ chất vi lượng cho cây.
Phòng trừ sâu bệnh: thông thường cây bưởi hay gặp sâu vẽ bùa và sâu ăn lá, có thể dùng thuốc đặc trị để xịt.
Cây ra đọt 1 cm xịt dầu khoáng 0,5% (DC Tropius) trong 1 lít nước xịt chữa nhện hoặc dùng Trichoderma trộn phân chuồng bón dưới đất hoặc tưới trên lá.
Sau khi thu hoạch nên cắt bỏ cành sâu, tược non, quét vôi bột xung quanh gốc một năm 2 lần.
Thu hoạch: trước đây người dân thường hái bằng bao rồi đổ đống, trái bưởi dễ bị giập nát. Qua nghiên cứu, chị đã chọn cách dùng kéo sắc cắt cuống, xếp vào thùng nhựa mang vào để chỗ mát cho vào túi lưới, mỗi túi 1 trái, cung cấp cho siêu thị.
Qua việc mở trang trại trồng bưởi thương phẩm và nhân giống, hàng năm chị Nguyễn Thanh Thủy đã cung cấp cho thị trường gần 200 tấn bưởi thương phẩm và hàng vạn cây giống bán với giá 15.000 - 20.000 đ/cây. Ngoài ra chị còn nuôi hàng trăm ngàn con gà công nghiệp để lấy phân bón cho bưởi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức lương từ 1.000.000 - 1.700.000 đồng/ tháng và bao ăn ở. Tới đây chị sẽ xây dựng nhà kho để bảo quản sản phẩm sau thu hái nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ điều kiện để xuất khẩu.
HIẾU THẢO - Khoa học PT, 09/01/2009
www.vietlinh.vn
Nhân giống bưởi da xanh bằng kỹ thuật giâm cành
Giâm cành là kỹ thuật nhân giống vô tính có hệ số nhân giống tương đối cao so với kỹ thuật chiết cành, cây con mau cho trái, đồng nhất về đặc tính giống và quần thể trồng tương đối đồng đều.
Bưởi da xanh (BDX) là một trong những cây có giá trị kinh tế cao nhưng là loại cây rất khó ra rễ khi giâm cành. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng kỹ thuật, cây BDX vẫn có thể được nhân giống bằng cách giâm cành. Để đạt kết quả tốt khi giâm cành BDX, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nhân giống, bao gồm từ khâu chọn cây đầu dòng, chọn cành giâm, sử dụng hóa chất kích thích ra rễ, giá thể giâm cành đến các yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng. Tổng hợp các yếu tố này quyết định thành công của kỹ thuật giâm cành BDX.
1. Chọn cây BDX đầu dòng để nhân giống:
Cây đầu dòng sử dụng nhân giống phải khỏe mạnh, không mang mầm bệnh và côn trùng nguy hiểm. Cây đầu dòng dùng để lấy cành không nên sử dụng để khai thác trái, vì làm như vậy cây sẽ kiệt sức rất mau.
2. Chuẩn bị cành giâm:
Cành BDX được sử dụng để giâm có thể lấy ở hai dạng cành là cành ngang (mang trái) và cành đứng (cành vượt). Cành ngang chỉ lấy từ ngọn vào bên trong khoảng 20 - 25 cm ở giai đoạn cây không ra hoa. Cành vượt có thể lấy từ ngọn vào trong 40 - 50 cm, cây con từ cành này có sức sống mạnh. Cành giâm nên được thu lúc sáng sớm, trong tình trạng trương nước. Có thể trữ cành trong các bao plastic lớn, phun nước bên trong và cột miệng bao để tránh mất nước. Để bao trong mát, tránh ánh sáng làm nhiệt độ bên trong bao tăng cao. Chiều dài cành giâm khoảng 15 - 20 cm. Tỉa bớt lá dưới đáy cành, giữ lại 5 - 7 lá. Cắt bớt 1/2 chiều dài lá để giảm thoát hơi nước. Vạt xéo đáy cành 1 góc 45 độ, dùng dao rạch vài đường ở đáy cành để tạo mô sẹo, kích thích sự ra rễ.
3. Chuẩn bị hóa chất:
Hóa chất được sử dụng để giâm cành BDX là các auxin tổng hợp, bao gồm NAA và 2,4-D. Nồng độ sử dụng: 4.000 ppm NAA + 500 ppm 2,4-D để kích thích ra rễ cành giâm BDX. Các hóa chất này có thể mua ở các cửa hàng bán hóa chất tinh khiết và thường được hướng dẫn cách pha trong cồn.
4. Giá thể giâm cành:
Giá thể giâm cành có 4 chức năng: cố định cành giâm, giữ ẩm tốt, thoáng khí và che tối cho đáy cành. Có thể dùng mụn xơ dừa hoặc trấu để làm giá thể giâm cành. Dụng cụ giâm cành có thể là rổ nhựa, khay hay bồn chứa, bên trong chứa giá thể giâm cành. Đặt dụng cụ giâm cành trong nhà giâm cành hoặc đơn giản hơn là trùm lại bằng tấm nhựa kín, khoảng trống phía trên càng cao càng tốt, vì nó sẽ tăng khả năng giữ ẩm độ và giảm được nhiệt độ bên trong.
5.Giâm cành:
Lấy các cành giâm đã được chuẩn bị sẵn, nhúng đáy cành giâm vào hóa chất trong thời gian 3 - 4 giây. Cành sau khi xử lý xong để cho hóa chất thấm vào đáy cành. Khi chất thấm khô, cắm cành giâm vào giá thể giâm.
6. Chăm sóc sau khi giâm:
Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ ra rễ, sức sống và tỷ lệ chết của cành giâm. Nhiệt độ trong môi trường tốt nhất khoảng 30 + 2 độ C. Nhiệt độ cao làm cho lá cành giâm trở nên vàng và rụng. Sự hiện diện của lá còn trên cành ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ ra rễ của cành giâm. Ẩm độ của nơi giâm cành phải được duy trì ở mức 85 - 90% trong suốt thời gian giâm cành. Ánh sáng không quá cao, nên sử dụng ánh sáng khuếch tán trong khoảng 1.000 - 2.000 lux. Tốt nhất, là để trong nhà có mái che bằng lá, không có ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Ba yếu tố ngoại cảnh trên ảnh hưởng đến 50% sự thành công. Trong suốt quá trình giâm cành, nếu thấy lá trên cành giâm còn xanh, không rụng, không vàng thì mức độ thành công sẽ trên 50%. Nên theo dõi ẩm độ và nhiệt độ thường xuyên, phải bảo đảm các yếu tố này trong khoảng tối hảo thì tỉ lệ thành công mới cao.
7. Chăm sóc cây con:
Thời gian ra rễ của cành giâm tùy vào sức sống của cành. Nếu chọn cành khỏe mạnh và đồng nhất về kiểu cành thì thời gian ra rễ khoảng 45 - 50 ngày và tỷ lệ ra rễ đạt khoảng 60 - 65%. Sử dụng cành trung bình thì thời gian ra rễ dài hơn ( 60 - 85 ngày) và tỷ lệ ra rễ chỉ khoảng 50%. Cành giâm sau khi ra rễ được vô trong các bầu plastic có chứa thành phần đất, mụn xơ dừa và phân chuồng hoai.
Cây con vô bầu được để nơi thoáng mát và tưới nước thường xuyên. Mỗi ngày tưới 4 lần, sáng 2 lần, chiều 2 lần. Sau 1 tuần bắt đầu tưới thêm phân DAP. Ngâm phân DAP vào thùng nước lượng 2 g/lít, tưới vào bầu đất mỗi tuần một lần cho đến khi cành giâm ra lá mới.
Võ Hoài Chân - Báo Đồng Khởi, 09/09/2010
www.vietlinh.vn
Trồng bưởi da xanh
Một trong những nông dân trồng bưởi da xanh đầu
tiên ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang là anh Lê Văn Xích.
Quê anh là vùng chuyên canh các cây nhãn, sầu riêng,
chôm chôm, vì vậy năm 1997, anh lặn lội đến tỉnh Bến Tre, tìm
mua giống bưởi da xanh. Thoạt đầu, anh chỉ mua được 10 nhánh
chiết cành với giá 50 nghìn đồng/nhánh. Ấy vậy mà chỉ một năm
rưỡi sau anh đã chiết cành nhân ra hàng trăm nhánh để hình thành
3 công vườn chuyên bưởi da xanh và còn bán bớt cho bà con xung
quanh một số lớn để gây giống.
Theo kinh nghiệm của anh, để trồng bưởi da xanh,
anh đắp mô có đường kính 1m, cao 0,5m, trồng theo kích cỡ cây cách
cây 6m x 6m, mô hình cấu tạo gồm đất đã cuốc lên phơi cho khô
trộn đều với 10kg phân hữu cơ hoai gồm: Phân heo trộn tro
trấu, xơ dừa. Chính giữa đỉnh mô anh móc lỗ sâu 0,2m rải vôi
càng long (vôi bột) lót đáy phân lân rồi đặt cây bưởi vào
phủ đất lại, cắm cọc buộc dây không cho cây lung lay khi giông
gió, cắm tàu dừa hai bên che mát, ngày tưới 2 lần.
Khoảng hai tháng sau, khi cây châm rễ, bắt đất,
anh tưới phân DAP 18–46–0 ngâm sền sệt, liều dùng 1 muỗng
canh pha thùng 10 lít nước, tưới khi lá già. Để phòng ngừa sâu
bệnh khoảng 15 ngày anh phun thuốc sâu + phân bón lá 1 lần, chủ
yếu là giai đoạn ra đọt và mang lá non. Gần một năm tuổi khi
cây phát triển khá, anh bắt đầu đào hộc xung quanh chân mô theo
hình chữ O, chiều ngang 0,4m, sâu từ 0,3 – 0,4m, lấy đất bỏ ra
ngoài, tận dụng cỏ vườn, rơm rác mục, xơ dừa, trấu mục, phân
chuồng cho vào đầy hộc, anh lấp đất lại để tạo độ tơi
xốp cho cây mọc và phát triển rễ nhanh. Cứ thế mỗi năm anh
lại đào hộc tiếp nới rộng chu vi mô bưởi ra và cũng cho các
loại phân hữu cơ như trên vào hộc rồi lại lấp đất trên
mặt, cho đến khi chu vi mô này giáp mô kia thì ngưng. Đây là cách
làm đơn giản nhưng giúp cây phát triển nhanh, tàn lá xanh mượt.
Khi cây được 3 năm tuổi, đủ điều kiện cho trái,
trước khi xử lý ra hoa, anh bón mỗi gốc bưởi 2 kg phân NPK
16–16–8–13 S và 1kg phân hữu cơ vi sinh cho cây sung tàn, chờ đến
đầu mùa nắng gắt vào đầu tháng 2 âm lịch, anh ngưng tưới
trong vòng 3 tuần và ngăn nước dưới mương cạn cho rễ bưởi
không hút nước, chờ lá cây hơi héo là bắt đầu tưới nước
trở lại ào ạt mỗi ngày 2 lần trong 4 ngày. Kế đến mỗi ngày
anh tưới 1 lần, bưởi bắt đầu ra chồi non (đọt), anh phun thêm
chế phẩm MKP (0–52–34) cho lá non mau thành thục. Khoảng 15 đến
20 ngày sau cây sẽ ra hoa, lúc bấy giờ anh tưới 1 ngày nghỉ 1 ngày
để hoa nở đều rụng cánh và đậu trái non, chờ khi trái non to
bằng ngón tay cái, anh bắt đầu phun ngừa sâu vẽ bùa và nhện
đỏ bằng thuốc décis + vicarsen mỗi loại 5cc cho bình 8 lít, cứ
10 ngày phun 1 lần. Khi trái to bằng cổ tay, anh tăng liều thuốc
như trên lên gấp đôi để phòng trị các đối tượng gây bệnh
da lu da cám.
Khi trái bưởi được hai tháng tuổi, anh nuôi trái
bằng cách bón mỗi gốc bưởi 1kg phân NPK 16–16–8–13S, với cây
mang nhiều trái phải tăng lượng phân trên. Khoảng 3 tháng nữa
đến ngày thu hoạch, anh phun phân bón lá grow 3 lá xanh loại
20–30–20 lên trái và lá để bưởi mỏng vỏ ruột nở to, múi
bưởi có nhiều nước, đồng thời bón thêm phân bón Con cò
loại NPK 7 – 7 – 14. Liều dùng 2kg/gốc nhằm tăng phẩm chất, hương
vị ngọt ngào và tạo cho da trái có màu xanh mượt mà tươi đẹp.
Ngoài ra để duy trì tuổi thọ cây, từ khi bưởi
bắt đầu cho trái, mỗi năm anh xới gốc bón 2 đợt phân hữu cơ
hoai, mỗi đợt 1 bao phân cút hoặc phân gà trộn tro trấu, chủ
yếu là sau thu hoạch và lúc đậu trái non. Nếu không có các
loại phân trên thì sử dụng phân hữu cơ sinh học liều dùng
từ 2 đến 4kg cho mỗi cây tùy theo lớn nhỏ để cây luôn có tán
lá xum xuê và cho trái to.
Với cách chăm sóc như trên, hiện vườn bưởi nhà
anh đang cho trái sai. Cây 5 năm tuổi, mỗi năm mang trung bình từ
50 – 70 trái, cá biệt có cây mang gần 100 trái lớn nhỏ. Trọng
lượng trung bình từ 1,5 đến trên dưới 2kg/trái. Bình quân mỗi
công bưởi 5 năm tuổi cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng,
trừ chi phí ra còn thực lãi khoảng trên 10 triệu đồng.
NNVN, 3/12/2003
www.vietlinh.vn
Cho bưởi da xanh ra trái theo ý muốn
Thông thường, bưởi da xanh ra hoa ngoài tán lá, nhất là ở cây bưởi tơ. Trái đậu cành ngoài dễ suy cây, mặt khác trái bưởi bị nám nắng, da không đẹp, trái không lớn. Nếu để đúng vụ theo thời tiết, sẽ không có bưởi bán quanh năm. ^Để khắc phục những hạn chế trên, những người làm vườn ở vùng Chợ Lách (Bến Tre) đã có cách điều khiển cây bưởi da xanh ra trái theo ý muốn với quy trình sau: Khi lá trên cành già sắp ra đọt lá mới, tiến hành bón phân. Liều lượng tuỳ tuổi cây. Với cây bưởi 3 năm tuổi, cao 3,5- 4m, đường kính tán khoảng 3m, bón 200g phân NPK/gốc, bón rải đều trên mặt mô (không rải trên mặt liếp). Sau 5- 7 ngày tiến hành tỉa lá trên cành nhỏ mọc trong thân. Những cành tỉa lá sẽ ra hoa. Cành ở ngọn để nguyên không tỉa lá.
Đối với cây cho trái đợt đầu, sau 20 - 25 ngày, trên cành tỉa lá có xuất hiện rất nhiều mầm hoa và chồi non, Khoảng 15 ngày sau, hoa phun mạnh ra khỏi thân, (nếu tưới nước nhiều hoa sẽ ra sớm hơn). Cần giữ ẩm 60- 70%, đất ẩm, không ướt dính tay. Hoa lớn lên và đậu trái, để khoảng 3 trái/chùm.
Đối với cây đã và đang cho trái (có nhiều đợt trái), bón phân 3 tháng/lần, khi thấy chồi non của cành già tiến hành bón phân NPK, liều lượng 200g/cây (3 năm tuổi). Sau 5- 7 ngày, tiến hành tỉa bỏ lá ở cành nhỏ trong thân, tỉa 100% lá của 60% số cành trong thân. Sau 20- 25 ngày chồi non và chồi hoa sẽ phát triển, tiến hành tỉa trái khi trái có đường kính 4- 5cm.
Khi trái đạt trên 6 tháng, đến 8 tháng là bưởi chín hoàn toàn. Đối với bưởi da xanh, cả khi trái non vẫn có vị ngọt, nhưng phải ăn sau khi cắt khoảng 3- 4 tuần lễ. Do đó, khi cắt cần lưu giữ trái trên sàn (cách mặt đất) trong điều kiện thoáng mát, không có ánh nắng rọi trực tiếp. Bưởi da xanh có thời gian bảo quản rất lâu, khoảng 2- 2,5 tháng sau thu hoạch mà quả vẫn ngon.
Agroviet, 27/10/05
www.vietlinh.vn
Kinh nghiệm chăm sóc bưởi da xanh
Người phụ nữ đầu tiên mang giống bưởi da xanh ở Bến Tre về trồng ở vùng đất đỏ ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương là chị Nguyễn Thanh Thủy. Nay chị là chủ trang trại trồng bưởi lớn nhất miền đông Nam bộ, chuyên cung cấp giống cho nông dân và bưởi thương phẩm cho hệ...
Xem chi tiết
Chia sẻ bài báo này với bạn bè.