Kỹ thuật ghép cà chua kháng bệnh héo rũ

Đánh giá: 0 người đã đánh giá bài báo này.
Người viết: khachnonghoc, ngày 7/29/2013, trong mục "TIN NÔNG NGHIỆP"
Tóm tắt: Kỹ thuật ghép cà chua kháng bệnh héo rũ

Kỹ thuật ghép cà chua kháng bệnh héo rũ

Để giúp người trồng cà chua giảm bớt nỗi lo bệnh héo rũ do vi khuẩn gây ra. Anh Nguyễn Hữu Dùng- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc Sở Khoa học- Công nghệ Vĩnh Long hướng dẫn một số kỹ thuật ghép nhằm tăng năng suất và khả năng kháng trên cây cà chua.

Chuẩn bị cây ghép

Thành phần gồm giá thể đất tơi xốp không bị nhiễm phèn, mặn phối trộn với cám dừa, tro trấu (tỉ lệ 1-1-2). Sau đó cho vào một cái vỉ có chia lỗ sẵn (vỉ 84 lỗ). Nếu gốc ghép là cà chua kháng bệnh thì hột ngọn và hột gốc gieo cùng ngày, nếu gốc ghép là cà tím kháng bệnh thì hột giống gieo trước hột ngọn 7 ngày để tương xứng thân ghép sau này. Khi gieo hột vào vỉ phủ lớp đất mỏng lên mặt, đậy chồng các vỉ đã gieo lên nhau để giữ độ ẩm, mỗi sáng tưới sương nhẹ 1 lần, sau 3 ngày thấy mầm trắng nhú lên thì để trong nắng râm.

Theo anh Dùng, trong giai đoạn này nên đề phòng một số bệnh như: lở cổ rễ, thối gốc, chết héo cây con... Khi cây mới nhú mầm, cần phun định kỳ 5-7 ngày/ lần một số loại thuốc sau: Folpan, Rampark, Validacine, Metaxyl,... Sau 15- 20 ngày có thể tiến hành ghép.

Các bước ghép

Cây ghép phải khô ráo, dùng lưỡi lam tiệt trùng bằng cồn 700, cắt vát thân cây cà kháng bệnh phía trên 2 lá mầm (lấy phần gốc) và cắt vát thân cà kháng bệnh phía dưới 2 lá thật (lấy phần ngọn), rồi dùng ống nhựa (Đài Loan) khô ráo đường kính 1.5mm ghép dính vào nhau. Lưu ý đối với gốc ghép cà tím kháng bệnh nếu cắt dưới 2 lá mầm sẽ bị bất lợi do quá gần mặt đất, rễ bất định không phát triển mạnh. Đối với gốc ghép cà chua kháng bệnh nên cắt dưới 2 lá mầm nhằm loại bỏ chồi dại.

Những ngày đầu sau khi ghép, nên phun mù thường xuyên và để ngoài ánh sáng yếu. Sau 3 ngày ghép, phun 2,5g phân nước urê để dưỡng lá, sau 5 ngày pha thêm 7g (20-20-15) giúp cây phát triển mạnh. Nên ngưng phân từ 2-3 ngày trước khi đem trồng.

Theo anh Dùng, huyện Vũng Liêm và Bình Tân là 2 địa phương được chọn trồng thử nghiệm. Kết quả rất bất ngờ, kháng bệnh héo xanh gần như hoàn toàn, kháng bệnh khảm từ 90- 95%, trong khi giống cà không ghép mắc 2 bệnh này từ 70- 80%, có những ruộng chết toàn bộ. Ưu điểm giống cà ghép là cho trái đều, giữ cuống lâu, vỏ dày bảo quản lâu nên giá thành cao hơn cà thường. Năng suất bình quân từ 3- 5 kg/ cây, cá biệt có nơi 7 kg/ cây. Thân cây cao từ 1,2- 1,3m nên thời gian thu hoạch có thể từ 4- 5 tháng. Thiết nghĩ, trong lúc nhà vườn luôn canh cánh nỗi lo héo rũ trên cà chua do vi khuẩn gây ra thì việc áp dụng biện pháp ghép là hướng đi thiết thực giúp kháng được bệnh héo rũ, hình thành vùng chuyên canh. Biện pháp này không dùng hóa chất an toàn cho người và môi trường, phù hợp xu thế phát triển thân thiện và bền vững.

HOÀNG MINH - Báo Vĩnh Long, 19/08/2009

www.vietlinh.vn

 

Trồng và chăm sóc cà chua

Cà chua là loại rau quả quen thuộc ở nước ta. Diện tích trồng cà chua hàng năm dao động trong khoảng 6.800 - 7.300ha, tập trung chủ yếu ở đồng bằng trung du phía Bắc. Các giống cà chua được trồng phổ biến hiện nay là: Cà chua hồng (quả có hình dạng như quả hồng), được lai tạo trong nước hoặc nhập nội. Các giống chính vụ thường được trồng là: Ba Lan, Hồng Lan, số 214, HP5, HP1, P375, SB2… Trong vụ Xuân Hè hoặc Đông Xuân sớm có các giống chịu được nhiệt độ cao, cho năng suất khá là: CS1, SB3, VM1…

Thời vụ

Có ba thời vụ phổ biến. Vụ sớm: Gieo vào tháng 7 - 8, trồng tháng 8 - 9, thu hoạch vào cuối tháng 10 - 12. Vụ chính: Gieo từ giữa tháng 9 sang cuối tháng 10, trồng tháng 11 để thu hoạch vào tháng 2 - 3. Vụ muộn: Gieo tháng 11, trồng tháng 12 và thu hoạch tháng 3 - 4. Mấy năm gần đây, do nhu cầu của thị trường, nhiều nơi còn gieo thêm cà chua vụ Xuân - Hè, gieo hạt tốt nhất từ thượng tuần tháng 1 đến trung tuần tháng 2 để cây con được trồng chậm nhất vào quãng 15 tháng 3, cho thu hoạch vào tháng 5 - 6. Lượng hạt gieo trong vườn ươm từ 2,0 - 3,0 g/m2, để trồng 1ha cần gieo từ 200g - 300g.

Chuẩn bị cây giống

Đối với cà chua, việc chăm sóc ở vườm ươm gồm có: Chống mưa nắng cho cây giống, chống sâu bệnh và tỉa bỏ cây xấu. Khi cây còn đang ở vườn ươm, không nên bón thúc (trừ trường hợp cây giống quá xấu) để rèn luyện cây giống. Chỉ nên tưới nước giữ cho đất hơi ẩm khoảng 60%); trước khi nhổ trồng 7 - 10 ngày không tưới nước để bắt buộc bộ rễ phát triển chắc chắn, nhưng trước khi nhổ cây 4 - 6 giờ lại tưới đậm nước lã để khi nhổ khỏi bị đứt rễ.

Làm đất, bón lót và trồng

Làm luống rộng 100 - 120cm, cao 20 - 30cm (vụ sớm có thể làm luống rộng 0,9cm, cao 30 - 40cm, trồng hàng đơn). Đất trồng cà chua lúc lên luống không cần làm nhỏ để tranh thủ thời vụ.

Bón lót cho 1ha cần: Phân chuồng hoai mục: 15 -20 tấn (5 - 7 tạ/sào); Phân lân: 400 - 500 kg (14 - 15 kg/sào); Phân Kali 195 - 200 kg (6 - 7 kg/sào); - Phân đạm urê 70 kg ( 2,5 kg/sào). Các loại phân trộn lẫn với nhau bon vào đất lúc trồng. Đất trong hốc phải đủ nhỏ để cây bắt rễ được dễ. Tuổi cây giống là 25 - 30 ngày (có 6 - 7 lá thật, cao 17 - 22 cm). Chọn cây mập, khỏe, lông ngắn. Cà chua múi trồng với khoảng cách hai hàng trên luống cách nhau 70 - 80 cm, cây trồng cách nhau 40 - 50 cm (mật độ 30 - 32 nghìn cây trên 1 hecta). Cà chua hồng trồng hàng cách nhau 70 cm, cây trên cùng hàng cách nhau 30 - 40 cm (mật độ 35 - 40 nghìn cây 1 hecta)

Chăm sóc

Tưới nước: sau khi trồng tưới 1 ngày 2 lần để cây bén rễ sau đó chỉ tưới để giữ ẩm (khoảng 60% độ ẩm đồng ruộng). Nên tưới nước ở rãnh vào thời kỳ ra quả rộ (trên 50% số cây đã có quả) và lúc phát triển mạnh.

Bón thúc: Cà chua cần được bón thúc 4 - 5 lần. Lượng phân để thúc khoảng 10 tấn phân hoai mục và 130 - 200 kg phân đạm urê/ha. Các kỳ thúc quan trọng là sau khi cây bén rễ, khi cây ra nụ, lúc quả ra rộ. Lượng phân thúc tăng dần theo các giai đoại phát dục của cây, tập trung nhất lúc cây ra quả và quả đang phát triển, sau đó có thể sau mỗi lần thu hoạch thúc nhẹ một lần làm cho cây trẻ lâu và quả đẹp mã.

Vun tỉa: Sau khi ra ngôi 15 ngày thì mới xới xáo và vun gốc, sau đó 10 - 12 ngày lại xới xáo và vun cao thêm để củng cố tầng rễ bất định. Muốn cà chua đạt năng suất cao nhất thiết phải cắm cọc, làm giàn, buộc cây và tỉa cành.

Phòng trừ sâu bệnh: Cà chua thường gặp các sâu hại như sâu xanh, sâu khoang ăn lá, ăn cùi quả, sâu hồng đục quả và rệp. Dùng các loại Diterec, Decis, Supracit đều có hiệu quả. Còn bệnh hay gặp là bệnh mốc sương (sương mai) ở vụ chính và vụ muộn; bệnh xoắn lá ở vụ muộn và vụ xuân. Với các bệnh này dùng thuốc boocdo 1% phun kĩ cho cây; lượng phun từ 750 - 800 lít cho 1 hecta (27 - 30 sào). ở cây giống thì dùng Monitor, Decis, Nuvacron v.v... phun tỉ lệ 1/2000; ở ruộng sản xuất phun tỉ lệ 1/1000 đến 1/1500 để diệt các côn trùng môi giới truyền bệnh.

Bá Trung - Kinh tế đô thị, 08/12/2009

www.vietlinh.vn

 

Kỹ thuật trồng cà chua trái vụ

Trước đây, cà chua chỉ được trồng vào vụ đông, cây khi thu hoạch giá thường rất rẻ. Muốn bán cà chua được giá cao thì phải trồng trái vụ, nhưng rất ít hộ trồng được cà chua sớm, bởi cà chua hay bị bệnh héo xanh, héo rũ, nở cổ rễ…

Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Bắc Ninh, đã ghép cà chua trên gốc cà tím. Cụ thể là chọn giống cà chua Savior ghép trên gốc cà tím EG 203. Cây cà chua lai mang đặc tính của cây cà tím thân cứng, bộ rễ phát triển khoẻ, khả năng chống bệnh nở cổ rễ, bệnh héo xanh, héo rũ rất tốt… phần ngọn là giống cà chua cũng nở hoa, kết trái như cà chua thông thường. Khi cà chua được ghép trên cà tím sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, cây khoẻ chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là thích hợp với các loại hình thái thời tiết khác nhau, phù hợp để sản xuất trái vụ.

Kỹ thuật trồng giống cà chua ghép này không khó, bà con dễ tiếp thu nếu tuân thủ đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả cao. Đất cày xong phơi khô 1 tuần, làm luống rộng từ 90 - 100 cm, sâu 30 - 35 cm. Khoảng cách giữa các hàng 65 - 70 cm, mật độ 900 - 1.000 cây/sào, mỗi cây cách nhau từ 45 - 50 cm. Trồng cây vào chiều mát, khi trồng và chăm sóc không vun đất cao quá vết cây ghép.

Sau khi trồng nên dùng dây mềm buộc cây vào que tre để giữ cho cây không bị lay vết ghép và phủ rơm rạ trên luống để tăng độ ẩm và giảm cỏ dại. Thường xuyên tỉa bỏ tất cả các chồi nhánh, chồi nách không cần thiết. Phân bón cho cà chua nên sử dụng các loại phân hỗn hợp NPK. Giai đoạn đầu cây sinh trưởng chậm, phải bổ sung lượng nhỏ phân đạm và lân.

Để phòng trừ và giảm bớt sâu bệnh bà con nên làm sạch cỏ dại, tỉa bỏ lá già cho thông thoáng nhằm hạn chế nơi trú ngụ của sâu bọ trưởng thành. Nhổ bỏ những cây bị bệnh để hạn chế nguồn bệnh. Bón phân cân đối giữa các nguyên tố đa lượng NPK, không bón quá nhiều đạm.

Trồng cà chua trái vụ bằng giống cà chua ghép trên gộc cà tím cho năng suất và đạt hiệu quả kinh tế cao, năng suất trung bình đạt 1,5 – 2 tấn. Nếu như trồng chính vụ chỉ cho thu nhập 5 – 6 triệu/sào nhưng khi trồng trái vụ đạt từ 12 – 15 triệu đồng/sào. Từ đó, có thể nhận thấy hiệu quả kinh tế của giống cà chua lai.

Sản xuất thành công giống cà chua lai đã tạo được vùng sản xuất cà chua an toàn cho năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống cà chua truyền thống. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.

Phương Mai - Báo Bắc Ninh, 18/11/2010

www.vietlinh.vn

 

Kỹ thuật trồng cà chua ghép trái vụ ở đồng bằng sông Hồng

Công nghệ ghép cà chua trên gốc cà tím EG203 và kỹ thuật trồng cà chua ghép trái vụ của Viện Nghiên cứu Rau quả đã được áp dụng thành công vào sản xuất ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu này để bà con tham khảo và áp dụng.

1. Giống

- Sử dụng các giống cà chua chống chịu bệnh virut, có khả năng ra hoa đậu quả tốt trong điều kiện nhiệt độ cao như VL 3500, VL 642, Savior, DV 2926, Kim cương, Trang nông 05… làm ngọn ghép.

- Gốc ghép là giống cà tím EG 203.

2. Thời vụ trồng

Từ ngày 15/5 đến 15/9, tập trung chủ yếu vào tháng 7 - 8.

3. Làm đất

Cày hoặc cuốc đất, phơi ải ít nhất 1 tuần. Làm đất tơi xốp rồi lên luống; mặt luống rộng 90 - 100 cm; rãnh rộng 35 - 40 cm, sâu 30 - 35 cm. Trước khi trồng, phủ mặt luống bằng màng nilon phủ đất màu đen có ánh bạc ; nếu phủ bằng rơm rạ thì phủ sau khi trồng để tăng độ ẩm, giảm cỏ dại…

4. Bón phân

- Phân bón cho cà chua nên sử dụng các loại phân hỗn hợp NPK. Giai đoạn đầu cây sinh trưởng chậm, phải bổ sung lượng nhỏ phân đạm và lân. Có thể kết hợp phun phân bón lá có hàm lượng các chất trung và vi lượng cao hoặc chứa các axit amin như Agrodream, WEHG…

- Lượng phân bón cho 1 sào (360 m2) như sau:

+ Bón lót: trước khi trồng 3 - 7 ngày, vãi đều phân trên mặt đất trước khi lên luống 300 kg phân chuồng hoai mục + 15 kg lân Lâm Thao + 2 kg kali trộn đều hoặc 150 kg hữu cơ vi sinh bón vào hốc.

+ Bón thúc lần 1: sau khi trồng 3 ngày, bón 30 - 40 kg phân vi sinh Biogro hoặc tưới các chế phẩm kích thích ra rễ xung quanh gốc.

+ Bón thúc lần 2: sau khi trồng 15 ngày, dùng 1 kg urê + 2 kg NPK đầu trâu hoà nước tưới xung quanh gốc.

+ Bón thúc lần 3 sau trồng 35 ngày; lần 4 sau trồng 60 ngày; lần 5 sau trồng 70 - 80 ngày đối với cây sinh trưởng vô hạn. Lượng bón cho mỗi lần: 1 kg urê + 1 kg kali +2 kg NPK đầu trâu hoà nước tưới xung quanh gốc.

+ Bón thúc bằng phân bón lá có hàm lượng vi lượng cao như Botrac, HK… sau trồng từ 5, 20, 35, 50 ngày.

5. Kỹ thuật trồng

- Khoảng cách: hàng cách hàng 65 - 70 cm, cây cách cây 45 - 50 cm; mật độ 900 - 1.000 cây/360 m2.

- Trồng cây vào chiều mát, khi trồng và quá trình chăm sóc không vun đất cao quá vết cây ghép.

- Sau trồng, dùng que tre cắm để buộc cây bằng dây mềm giữ cho cây không bị lay vết ghép.

- Cắm giàn ngay sau khi trồng (đối với đất phủ nilon) hoặc cắm khi cây cao 50 – 60 cm (đối với đất phủ rơm rạ).

6. Chăm sóc

a. Tưới nước

- Sau khi trồng phải tưới nước ngay, dùng gáo tưới cách hốc từ 7 - 10 cm cho đến khi cây hồi xanh hoàn toàn.

- Khi cây bắt đầu sinh trưởng mạnh, tưới rãnh từ 7 - 10 ngày/lần.

b. Tỉa chồi

- Tỉa bỏ tất cả các chồi nhánh trên thân chính, chỉ giữ các chồi nhánh mọc dưới nách lá xuất hiện chùm hoa đầu tiên.

- Khi trên cây đạt số chùm hoa cần thiết thì bấm ngọn và những chồi nách không cần thiết.

7. Sử dụng thuốc đậu quả

Trong điều kiện trồng cà chua trái vụ, sử dụng thuốc đậu quả như CPA, GA3 nồng độ 10 - 15 ppm để phun hoặc nhúng lên chùm hoa. Trong quá trình phun, chú ý không để thuốc bắn lên ngọn sinh trưởng của cây.

8. Phòng trừ sâu bệnh chủ yếu

a. Đối với bệnh

- Luân canh các cây trồng khác họ.

- Làm sạch cỏ dại, tỉa bỏ lá già cho thông thoáng nhằm hạn chế nơi trú ngụ của sâu bọ trưởng thành. Nhổ bỏ những cây bị bệnh để hạn chế nguồn bệnh.

- Bón phân cân đối giữa các nguyên tố đa lượng NPK, không bón quá nhiều đạm.

- Bệnh virut: Dùng bẫy dính màu vàng, phun dầu khoáng SK, Selecron, Actra diệt bọ phấn để hạn chế sự lây lan của virut. Khi phát hiện cây bị bệnh virut, cần nhổ bỏ ngay và tiêu độc cho đất bằng vôi bột hoặc Basudin.

- Bệnh cháy lá: Khi bệnh mới xuất hiện, phun thuốc Rhidomin, Score, Daconil, Kocide, Champion, Zineb, Benlate… kết hợp tỉa bỏ các lá bệnh, tưới đủ ẩm, bón vôi.

- Bệnh thán thư, mốc xám lá: Khi cây còn nhỏ đến cây 50 ngày tuổi, sử dụng thuốc Score, TriB1 phun vào gốc, cách 20 ngày phun 1 lần.

b. Đối với sâu

- Sâu vẽ bùa: Phun Polytrin, Ofunack khi sâu mới xuất hiện. Ngắt bỏ các lá bị hại nặng tập trung đem chôn để giảm thiểu nguồn gây hại.

- Sâu đục quả: Có thể phun một trong các loại thuốc sau: Sherpa, Sumialpha, Cidi, Sumicidin… nên luân phiên thay thuốc để sâu không quen thuốc, ngừng phun khi chuẩn bị thu quả. Nên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học BT, Centary, Depel, thuốc điều hoà sinh trưởng như Atabron, Nomolt, Mymi… phun khi sâu tuổi nhỏ. Kết hợp bắt sâu, ngắt bỏ ổ trứng, hái quả bị sâu đục đem chôn hoặc ủ phân. Trên ruộng xuất hiện cả sâu, bệnh, có thể kết hợp phun thuốc sâu và thuốc bệnh, không pha chung các thuốc gốc đồng như Kocide, Champion.

Chú ý: Nồng độ, liều lượng, thời gian và cách phun phải theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì thuốc.

9. Thu hoạch

- Thu hoạch đúng lúc khi cà chua chuyển sang màu hồng hoặc đỏ, không để quả giập nát, sây sát. Dùng các xô nhựa sạch thu quả, phân loại quả; sau đó xếp quả vào các thùng gỗ nhỏ, bảo quản nơi thoáng mát.

- Nếu thời tiết quá nóng hoặc mưa nhiều nên thu quả ở giai đoạn xanh già hoặc bắt đầu chín để tránh tình trạng mưa nhiều làm nứt quả hoặc quả nám do nắng. Sau khi thu hoạch đưa quả về nơi thoáng mát, sử dụng ethrel để rấm chín quả.

Nguyễn Hùng - Khuyến nông VN, 10/05/2010

www.vietlinh.vn

 

Trồng cà chua sạch

 - Không dùng thuốc đã bị Nhà nước cấm sử dụng trên rau như Azodrin, Monitor, Furadan ... 

- Không bón phân đạm quá ngưỡng và tưới thúc sát hoặc trong giai đoạn thu hoạch. 

- Không tưới nước bẩn thải ra từ nhà máy, hoặc chuồng trại. 

- Phải đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, nitrat, và vi trùng gây bệnh cho người dưới mức quy định. 

KỸ THUẬT CANH TÁC 

1. Thời vụ: 

Có hai vụ Đông Xuân và mùa mưa. Vụ Đông Xuân gieo từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, thích hợp nhất vào tháng 11-12 (chính vụ). Vụ mưa gieo vào tháng 6-7, năng suất thấp nhưng giá thành cao (lưu ý phải chọn giống thích hợp trồng mùa mưa). 

2. Giống: 

Giống trồng trong vụ Đông Xuân tương đối đa dạng như: giống địa phương, giống ấn Độ, SB3, và một số giống F1 của nước ngoài như S902, Delta, VL 2000, HP5, S901, ... Giống có thể thích hợp trồng trong vụ mưa là KBT4, số 12, SB2, S901. 

3. Quy trình trồng: 

a. Gieo cây con: 

- Đất gieo phải tơi xốp, thoát nước, không bị rợp, được trộn với lượng phân như sau (cho 10m2): 5-6 kg phân chuồng + 100g phân lân + 20g thuốc trừ kiến (Basudin, Oncol). 

Sau gieo nên phủ một lớp rơm, khoảng ba ngày hạt nảy mầm bỏ bớt rơm ra, 10 ngày sau gieo có thể tưới thúc hỗn hợp NPK, hoặc DAP ngâm với bánh dầu, 3 ngày/lần. 

Khi cây có 2-3 lá thật nên tỉa thưa giúp cho cây thoáng, đủ ánh sáng. Những cây tỉa được ngâm lại vẫn sử dụng để cấy. Cây con được 6-7 lá thật, cao 15-20cm (khoảng 20-30 ngày sau khi gieo) có thể đem trồng. Trước khi cấy nên bỏ tưới 1-2 ngày, trước khi nhổ cần tưới đẫm nước. Trong vụ mưa khi gieo cần phải làm giàn che mưa. 

b. Chuẩn bị đất trồng: 

Đất cày và bừa 1 lần, lên liếp (*). Phân chuồng phải được bón lót trước khi cấy 3-7 ngày theo rãnh hoặc hốc được đánh trên liếp. 

(*): Nếu áp dụng phủ luống bằng nilon hoặc rơm: Khi cày bừa nên hình thành những đường phân lô trên ruộng nhằm tạo một hệ thống dẫn nước tưới ngấm vào luống trồng sau này. Ngay sau trồng có thể tưới bổ sung trực tiếp trên cây, sau tưới 4-5 ngày kiểm tra lại độ ẩm đất nếu khô sẽ tưới lại. Giai đoạn đầu tưới 4-5 ngày /lần, khi cây lớn 1 tuần /2 lần. 

- Nilon được phủ trước khi trồng, đục lỗ theo khoảng cách trồng và được giữ trên liếp bằng những ghim kẽm bẻ hình chữ U (dài 10-15cm, sâu 7-8cm). 

- Nếu phủ rơm: sau 3 ngày phun thuốc cỏ tiền nảy mầm như Dual, Nufarm, sau đó phủ rơm che kín liếp. 

c. Mật độ và khoảng cách trồng: 

- Mật độ khoảng 18.000 - 20.000 cây/ha. 

- Khoảng cách:

 Cây x Cây 0,4 - 0,5 m. 

Liếp ruộng 0,9 - 1 m. 

Rãnh tưới 0,2 - 0,3 m. 

d. Lượng phân sử dụng và cách bón: 

- Lượng phân bón (kg/ha): N: 125, P2O5: 79, K2O: 125, bánh dầu (BD): 500, phân chuồng: 30.000 (khoảng 5 xe bò /1000 m2). 

- Cách bón: 

Lót (3-7 ngày trước khi cấy): toàn bộ phân chuồng, 2/3 P2O5, 1/3 K2O.

Thúc 1 (7-10 ngày sau trồng): 1/5 BD, 1/3 P2O5, 1/3 K2O, 1/5 N. 

Thúc 2 (20-25 ngày sau trồng): 2/5 BD, 2/5 N, 1/3 K2O. 

Thúc 3 (35-40 ngày sau trồng): 2/5 BD, 2/5 N, 1/3 K2O. 

Trong điều kiện phủ luống lượng phân thúc 2 và 3 được ngâm và tưới vào gốc, chia làm 4 lần (1 tuần /lần). Trong giai đoạn từ 25-50 ngày sau trồng có thể tưới thúc cho cây (dùng phân NPK hay DAP ngâm bánh dầu). Sau giai đoạn này không nên tưới thúc. 

QUY TRÌNH QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP 

Trên cây cà chua thành phần sâu bệnh hại tương đối nhiều, trong phần này xin đề cập những đối tượng chính và phổ biến. 

Những biện pháp phòng trừ có thể bao gồm: 

1. Biện pháp canh tác: 

- Làm đất: cày đất phơi ải tốt nhất 1 tháng, ít nhất 1 tuần nhằm diệt nhộng của sâu xanh, sâu vẽ bùa, mầm bệnh, mầm cỏ dại và tuyến trùng. 

- Bón phân cân đối: Tuyệt đối không sử dụng phân rác, phân chuồng tươi. Phân rác hoặc phân chuồng cần được ủ kỹ trong 6 tháng trước khi sử dụng. 

- Sử dụng giống kháng bệnh (lưu ý trong vụ mưa). Khi chọn giống trồng nên lưu ý một số ký hiệu trên bao giống (thường giống nước ngoài) như sau: BW (kháng bệnh héo rũ vi khuẩn), F (kháng bệnh héo rũ do nấm Fusarium), N (kháng tuyến trùng), YLV (kháng bệnh xoăn vàng lá), TMV (kháng bệng khảm thuốc lá trên cà chua), CMV (kháng bệnh khảm dưa leo trên cà chua)... 

- Xử lý hạt giống: trước khi gieo phơi hạt 2-3 nắng nhằm diệt một số mầm bệnh, ngâm hạt trong dung dịch Na2PO4 10% trong 2 giờ, sau đó xả bằng nước lạnh khoảng 45 phút hong khô trong điều kiện mát (xử lý diệt mầm bệnh virus), trước khi gieo có thể trộn hạt với một số loại thuốc trừ nấm bệnh như Rhidomil, Benlat C (5mg /10g hạt). 

- Vệ sinh đồng ruộng: cỏ phải được dọn sạch (kết hợp những lần bón phân), sau lần thúc 3 cần làm cỏ ít nhất 2 lần (trước và trong khi thu hoạch) để giảm nguồn ký chủ phụ đối với một số loại sâu bệnh. Nên phủ luống bằng nilon hoặc rơm để giảm được công làm cỏ tay. Những cây bệnh (héo rũ, xoăn vàng lá,quả bệnh ...) cần gom lại mang đi đốt, quả bị sâu đục đem đi chôn hoặc ủ làm phân. 

- Nên luân canh với cây trồng nước như lúa, không trồng 2 năm liên tục trên đất đã trồng các cây họ cà (cà chua, cà pháo, cà đĩa, cà tím, ớt, thuốc lá, khoai tây). 

- Nên trồng cạnh những ruộng bắp, đậu bắp hoặc trồng xung quanh để thu hút sâu xanh, giảm thiệt hại do chúng gây ra. 

2. Biện pháp vật lý, cơ giới 

- Đặt bẫy đèn vào những ngày đầu mùa trăng để thu hút con trưởng thành của sâu xanh. 

- Đặt bẫy dính trên mặt luống để thu hút giòi đẩy sức của sâu vẽ bùa trước khi hóa nhộng (trong điều kiện có phủ luống bằng nilon). 

- Diệt sâu bằng tay, vặt bỏ những quả bị sâu đục đem đi chôn hoặc ủ phân, tuyệt đối không vứt bừa bãi trên ruộng. 

3. Biện pháp sinh học 

- Hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học làm ảnh hưởng đến hệ thiên địch có mặt trên ruộng như nhện linh miêu (Oxyopes javanus), nhện chân dài (Tetragnatha maxillona), ruồi xanh (Paradexodes), bọ rùa (Melochillus sexmaculatus) ... 

- Không bắt giết những loài có ích như ếch nhái, cóc, chim bắt sâu có mặt trên ruộng. 

- Ưu tiên sử dụng thuốc vi sinh như BT, Centary, Depel; thuốc điều hòa sinh trưởng như Atabron, Nomolt. 

4. Biện pháp hóa học 

Nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để sớm phát hiện các dịch hại. Số cây quan sát từ 15-20 cây rải đều trên ruộng. 

a. Sâu: 

- Bọ trĩ: (rầy lửa): nếu thấy xuất hiện đều trên cây và cả ruộng khoảng 3-5 con /1 lá ngọn nên tiến hành phun thuốc, sau phun 1-2 ngày kiểm tra, nếu mật độ chưa giảm có thể phun tiếp. 

- Rệp sáp (White fly): khi xuất hiện đều cả ruộng 2-3 cây /con cần tiến hành xử lý thuốc. 

- Sâu vẽ bùa: Thường xuất hiện vào tuần thứ 4 và thứ 8 sau trồng. Mật độ của chúng có thể dự đoán qua số lượng ruồi trưởng thành có mặt trên ruộng khoảng từ 5-10 con /cây thì ngày hôm sau nên phun thuốc. Sau phun 2 ngày kiểm tra lại, nếu còn bị hại nhiều cần phun thêm. 

Giai đoạn 7-30 ngày sau trồng thuốc sử dụng có thể pha hỗn hợp 2,3 loại trị cả sâu vẽ bùa, bọ trĩ, rệp sáp. Các loại thuốc có thể dùng: Polytrin, Ofunak, Cyper, Dipterex, Confidor, Bassa, Sumicidin. 

- Sâu đục quả: thường xuất hiện vào giai đoạn ra hoa rộ. Thường có 3 đỉnh rộ vào tuần thứ 5, 7, 9 sau trồng, cao nhất vào tuần thứ 7, cần lưu ý phòng trừ. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Sherpa, Sumi alpha, Cidi, Ciper, Polytrin, Sumicidin. Nên luân phiên thay đổi thuốc, khoảng 60 ngày sau trồng đến hết vụ nếu sâu nhiều có thể sử dụng BT, Atabron, Nomolt, Mymix. 

b. Bệnh: 

- Bệnh héo rũ do vi khuẩn: Nên sử dụng giống kháng như KBT4, số 12 (Công ty Giống Cây trồng TP. Hồ Chí Minh). Cây bệnh phải được nhổ bỏ, gom lại đem đốt, tuyệt đối không vứt bừa bãi trên ruộng hoặc để đầu bờ. 

- Bệnh héo rũ do nấm Sclerotium rolfsii: khi thấy xuất hiện có thể phun Anvil (nồng độ 0,3%), Rhidomil (nồng độ 0,3-0,4 %). 

- Bệnh cháy lá: khi thấy xuất hiện có thể phun Rhidomil, Score (nồng độ 0,3-0,4%). Các loại thuốc này có thể kết hợp với những lần phun thuốc sâu khi thấy bệnh xuất hiện. 

CÔNG TY GIỐNG CÂY TRỒNG TPHCM, Phụ san Khoa học phổ thông, 2003

www.vietlinh.vn

 

Trồng cà chua F1

Giống:

Cà chua là một trong những cây rau cho hiệu quả kinh tế cao hiện nay. Trồng và thâm canh cà chua dễ dàng đạt cánh đồng 100 triệu đồng/ha.

Bộ giống cà chua F1, có sức phát triển mạnh, kháng bệnh tốt, chịu nhiệt, mưa nhiều, thời gian bắt đầu thu hoạch khoảng 65 – 75 ngày sau khi trồng. Dạng trái hình tròn, vuông hoặc hình nhót, khi chín màu đỏ đẹp, độ đồng đều cao, thịt quả dày chắc, cứng trái, bảo quản được lâu và chịu vận chuyển. Trọng lượng trung bình từ 90g – 110g/trái, 3 –5kg quả/cây. Năng suất: 1000 – 3000kg/sào tùy từng thời vụ. Các giống gồm có cà chua Hồng Lan, cà chua Mỹ chịu nhiệt kháng bệnh héo rũ P/S: BM 199 cà chua Đài Loan (F1 challan ger), cà chua Mỹ P/S: VL 2000, cà chua Pháp xanh...

Thời vụ:

Vụ sớm: Gieo tháng 7 – tháng 8 trồng tháng 7, 8, 9. Trồng cà chua Đài Loan, cà chua Mỹ chịu nhiệt chống bệnh héo xanh P/S: MB199.

Chính vụ: Gieo tháng 9 – tháng 10, trồng tháng 9 – tháng 10, các giống Hồng Lan, cà chua Đài Loan, Mỹ P/S: BM 1999, Mỹ P/S VL 2000.

Vụ muộn: Gieo tháng 11, tháng 12, trồng tháng 11, 12, tháng 1, giống Pháp xanh.

Gieo trồng và chăm sóc

Mật độ gieo: 2 –3g/m2 mặt luống, tuổi cây con 20 – 25 ngày, khi có 3 – 4 lá thật, cao 12 – 15cm, mỗi sào trồng 110 – 1200 cây giống. Lượng hạt giống cần trồng 1 sào: 3 – 5g. Gieo trong khay nhựa, vỉ xốp, bầu ni lon (ĐK 5cm – cao 10 cm thủng 2 đáy) khoảng cách 8 – 10cm/cây, tuổi cây 30 – 35 ngày, rút ngắn thời gian sinh trưởng cho hiệu quả kinh tế cao.

Khi còn ở trong vườn ươm phun thuốc trừ sâu, kiến, hại thân, lá, bệnh lở cổ rễ, mốc sương, dùng cót che mưa nắng khoảng 3 – 5 ngày.

Làm đất

Vụ sớm lên luống cao 30 – 40cm, rộng 80 – 90cm, trồng 1 hàng, cây cách cây 40 – 50cm. Vụ chính, vụ muộn lên luống cao 20 – 25cm, rộng 1,2m, trồng hàng đôi, hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 50cm. Cà chua trồng hai hàng con cây song song với nhau (không trồng so le).

Lượng phân bón và cách bón phân cho cà chua:

Lượng phân cần cho 1 sào: Vôi bột: 20 – 30kg. Phân chuồng hoai mục: 700 – 1000kg hoặc 40 – 50kg vi sinh Sông Gianh, vi sinh biogô, supe lân 20 – 25kg, kali 12 – 14kg, đạm urê 9 – 10kg.

Cách bón:

– Vôi bột bón đều trước khi bừa lần cuối.

– Bón lót toàn bộ phân chuồng (hoặc 40 – 50kg phân vi sinh) phân lân và 3kg kali. Các loại phân trộn đều rải vào rạch giữa luống rồi lấp đất kín.

– Bón thúc đợt 1: Sau trồng 10 – 15 ngày, dùng 1 – 1,5kg urê tưới loãng (chia làm 2 lần cách nhau 5 – 7 ngày).

– Bón thúc đợt 2: Sau trồng 25 – 30 ngày khi cây có nụ non, dùng 1 – 1,5kg đạm + 3kg kali bón cách gốc 2cm vun vào gốc, cắm giàn.

– Thúc đợt 3: Khi quả non đang phát triển mạnh, dùng 1,5 – 2kg đạm + 2kg kali, pha loãng tưới hoặc bón.

– Thúc đợt 4: Dùng1 – 1,5kg đạm + 2kg kali tưới hoặc bón.

– Số đạm và kali còn lại chia làm 2 bón thúc sau mỗi lần thu hoạch, mỗi lần 2kg kali + 1,5 – 2kg urê.

Hiện nay có một số phân bón lá như Organim, Yogen, Atoních, phân bón lá Thiên nông, Komíc dùng phun 7 – 10 ngày 1 lần cây sẽ phát triển mạnh, trẻ lâu và cho năng suất cao hơn.

Sau khi trồng 15 ngày nhổ cỏ gốc làm giàn bằng tre, nứa cắm hình mái nhà buộc dây cho cây cà khi cây cao 30cm, cứ buộc cho cây leo dần 5 – 7 ngày/lần, kết hợp tỉa bỏ lá già cho thoáng gốc, mỗi cây chỉ để 1 thân chính và 1 cành cấp 1 ở dưới chùm hoa đầu tiên, tỉa hết các nhánh phụ còn lại. Chú ý phòng trừ sâu bệnh kịp thời .

NNVN - 5/9/2003

www.vietlinh.vn

 

Công nghệ mới làm tăng tuổi thọ cà chua

Dây chuyền sơ chế bảo quản cà chua lần đầu tiên được ứng dụng tại Lâm Đồng đã làm tăng thêm tuổi thọ của trái cà chua gấp 3 lần.

Các kỹ sư trẻ ở Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Viện CĐNN & CNSTH), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sau hai năm miệt mài nghiên cứu đã chế tạo thành công dây chuyền sơ chế bảo quản rau quả (cà chua, cam quýt, chanh dây...) và chuyển giao cho Công ty TNHH nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (TP.HCM), có trang trại tại Đơn Dương (Lâm Đồng) ứng dụng.

Anh Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Nguyên cho biết: Nhiều năm qua công ty cung cấp rau sạch cho các siêu thị tại TP.HCM nhưng sau quá trình vận chuyển (trên 300 km) chất lượng cà chua giảm sút và bị hư hao nhiều, việc tiếp nhận dây chuyền sơ chế bảo quản cà chua sẽ giúp nhà cung cấp rau quả khắc phục những khó khăn bấy lâu, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Kỹ sư trẻ Cao Đăng Minh - lắp ráp và điều khiển dây chuyền, cho biết: "Dây chuyền sơ chế bảo quản cà chua có 5 công đoạn được điều khiển tự động gồm: súc khí cọ rửa đánh bóng cà chua, làm khô trái cà chua, phun chế phẩm BQE 625, làm khô màng dịch, phân loại quả và đóng thùng, mỗi giờ sơ chế 1 tấn cà chua". Còn thạc sĩ Đặng Thị Thanh Quyên (Viện CĐNN & CNSTH) cho biết với công nghệ này có thể sơ chế bảo quản cà chua trên 30 ngày (bình thường 10 ngày), nhờ có lớp màng BQE 625 sẽ ngăn được vi sinh vật xâm nhập vào quả, giữ được màu sắc và vỏ cà chua không bị nhăn, vận chuyển đường xa tỷ lệ hư hao sẽ giảm. Chất bảo quản này lại không gây hại cho sức khỏe, vì khi rửa lại bằng nước, màng bảo vệ sẽ hòa tan trong nước.

Trong khi dây chuyền vận hành thử, nhiều nông dân đã kéo nhau đến xem, họ tỏ ra phấn khởi. Vì theo họ những lúc cà chua rộ mùa thường bị rớt giá thê thảm, nếu được sơ chế bảo quản với dây chuyền thiết bị này sẽ cất giữ cà chua được lâu hơn. Biết được tâm tư của nông dân, anh Nguyễn Lam Sơn cho biết sẽ hợp tác với Phòng Nông nghiệp địa phương và bà con nông dân để sản xuất cà chua thành phẩm an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của các siêu thị và thị trường xuất khẩu.

Qua tìm hiểu, dây chuyền thiết bị này thuộc đề tài cấp Bộ, chi phí cho việc nghiên cứu chế tạo khoảng trên 600 triệu đồng, chế phẩm BQE 625 phải nhập từ Hoa Kỳ về với giá khá đắt, cho nên chi phí sơ chế bao màng khoảng 200 ngàn đồng/1 tấn cà chua (đã có chi phí điện nước), nếu cộng luôn chi phí bao bì khoảng 500 đồng/kg thì giá thành phẩm cà chua tăng thêm 700 đồng/kg, nhưng anh Sơn cho rằng: "Chi phí đó sẽ không đáng kể nếu chất lượng cà chua được nâng lên đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, vì họ chấp nhận trả giá cao hơn để có sản phẩm sạch và an toàn, chưa nói tỷ lệ hư hao trong quá trình vận chuyển sẽ giảm tối đa".

Lâm Viên - TN, 21/11/2007

www.vietlinh.vn

 

Kỹ Thuật Ghép Cà Chua Kháng Bệnh Héo Rũ

Cà chua Thành phần gồm giá thể đất tơi xốp không bị nhiễm phèn, mặn phối trộn với cám dừa, tro trấu (tỉ lệ 1-1-2). Sau đó cho vào một cái vỉ có chia lỗ sẵn (vỉ 84 lỗ). Nếu gốc ghép là cà chua kháng bệnh thì hột ngọn và hột gốc gieo cùng ngày, nếu gốc ghép là cà tím kháng bệnh thì hột giống gieo... Xem chi tiết


Chia sẻ bài báo này với bạn bè.


Ý kiến bạn đọc

Viết bình luận của bạn
Name:
E-mail:
Lời bình:
Insert Cancel


Các bài báo cùng chuyên mục Các bài báo cùng chuyên mục

Trồng rau đậu, hoa màu


Cây làm thuốc, con làm thuốc

Rau hoa quả làm thuốc (Thảo dược)


Nước tưới và tưới nước

Tưới nước và tiết kiệm nước tưới

Bảo quản, chế biến sau thu hoạch



































NÔNG HỌC TRÊN FACEBOOK
HÃY KẾT NỐI VỚI NÔNG HỌC
Giỏ hàng

Bạn chưa bỏ gì vào giỏ hàng

Lịch sử hóa đơn

GIÁ NÔNG SẢN

Xem giá các mặt hàng khácXem giá các mặt hàng khác

HOA LAN BÍ KÍP

Hoa Lan Bí Kíp #30
Chiêu số 30: Dùng một thìa cà-phê Epsom Salt cho mỗi gallon nước coi như phụ với Magnesium, tưới mỗi ba tháng để làm tan rã chất muối tồn đọng trong chất trồng lan.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #6
Chiêu số 6: Mỗi vườn, mỗi vùng có tiểu khí hậu khác nhau, cho nên việc thay đổi cách trồng và tưới theo vườn người khác nên cân nhắc cẩn trọng.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #16
Chiêu số 16: Vào mùa nóng, khô, ta có thể nhúng cả chậu vào nước sạch hoặc (nếu cần) nhúng toàn thân cây lan vào nước khoảng 15 phút. Làm như vậy mỗi tháng ta có thể ngăn ngừa sâu bọ làm ổ và rửa sạch những chất khoáng tồn đọng trong chậu.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #51
Chiêu số 51: Nên giữ lại những nút chai rượu vang (rượu chát) và dùng để trồng lan, nó làm cho thoáng khí chung quanh rễ.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #66
Chiêu số 65: Nếu bạn đang tìm kiếm một loại lan trưng bày trong nhà thì cứ thử trồng cây Hồ-Điệp. Nó sinh ra để trồng trong nhà.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #60
Chiêu số 60: Khi tưới nước, đặt chậu lan trên đĩã hứng hoặc đem lại bồn rửa chén và tưới cho đến khi nước hoàn toàn chảy qua lỗ chậu.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #73
Chiêu số 73: Nên tưới nước vào ngày hôm trước hoặc 4-5 giờ trước rồi mới bón phân. Đừng bao giờ tưới bón khi nhiệt độ xuống dưới 50°F (10°C).



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #13
Chiêu số 13: Cây lan có đốm, chấm hay sọc đen, nâu chưa chắc là đã bị vi rút, nhiểm trùng hay nấm nếu cây non vẫn xanh tốt.



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #80
Chiêu số 80: Lan không ưa không khí tù hãm và ưa có sự lay chuyển không khí cho nên cần một chiếc quạt nhỏ có thể xoay chuyển được (oscillating).



theo hoalanvietnam.org

Hoa Lan Bí Kíp #25
Chiêu số 25: Dùng hoa lan làm quà tặng thật không công bằng với cây và người nhận (chủ mới), nếu họ không biết chăm sóc cây



theo hoalanvietnam.org

chợ nông sản

Hãy khám phá chức năng mới của chúng tôi: tạo gian hàng, đăng sản phẩm để rao bán trực tuyến một cách miễn phí.

Cơ hội để bạn mở rộng kinh doanh, tìm kiếm đối tác và tăng doanh số nhanh nhất.

Bạn cũng đang kinh doanh trong lĩnh vực nông sản?

Tham gia ngay

KỸ THUẬT THỦY SẢN

Kỹ thuật nuôi tôm



Kỹ thuật nuôi cá


Các chuyên đề khác

Video clip nông nghiệp, thủy sản
Hỏi - đáp, thảo luận
Tin tức về các kỹ thuật mới
Các cơ quan khuyến nông - ngư
Các cơ sở đào tạo & nghiên cứu
Sách, giáo trình và website

WEBSITE LIÊN KẾT