Trồng cỏ voi nuôi bò - Hấp dẫn nhưng…
|
|
Đánh giá: 0 người đã đánh giá bài báo này.
Người viết: khachnonghoc,
ngày 7/29/2013,
trong mục "
TIN NÔNG NGHIỆP"
Tóm tắt: Trồng cỏ voi nuôi bò - Hấp dẫn nhưng…
Trồng cỏ voi nuôi bò - Hấp dẫn nhưng…
Mô hình trồng cỏ voi nuôi bò đang phát triển
mạnh ở Khánh Hòa. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư nên hiệu
quả kinh tế từ mô hình chưa cao. Nếu giải quyết được những
khó khăn này, mục tiêu phấn đấu 50 triệu đồng/ha đất canh
tác ở Khánh Hòa sẽ trở thành hiện thực.
1 ha cỏ nuôi trên 30 con bò
Các tỉnh miền Tây Nam bộ, miền Trung như An Giang,
Cần Thơ, Long An, Quảng Ngãi, Bình Định… phát triển mô hình
trồng cỏ voi nuôi bò trên diện tích hàng nghìn ha, đã làm cho
nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Khánh Hòa phát triển mô
hình này quá chậm. Theo anh Võ Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm
Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh, mô hình trồng cỏ voi nuôi bò
mới xuất hiện ở Khánh Hòa được hơn 1 năm. Theo anh Thái, cái
khó để phát triển đàn bò là phải chịu ảnh hưởng nhiều
yếu tố, thứ nhất là đầu ra sản phẩm, sau đó là vốn đầu tư
mua bò giống không phải là nhỏ, muốn phát triển đàn bò theo mô
hình kinh tế trang trại (KTTT) cũng phải đầu tư từ 100 triệu đồng
trở lên. Tiếp đó mới là thức ăn tươi cho bò. Thấy được
những khó khăn này, năm qua, Trung tâm đã mạnh dạn lấy cỏ voi
giống ở miền Nam, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, trồng
thử nghiệm 2,2 ha cỏ cho các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam
Ranh, Diên Khánh. Kết quả, cỏ phát triển rất tốt, mướt lá,
bò ăn cỏ lớn rất nhanh. Anh Đào Văn Lương, Trưởng phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh cho biết: “Huyện
trồng thử nghiệm 1 ha cỏ voi, đến khi thu hoạch, năng suất đạt
rất cao, cắt mỗi lứa được khoảng 40 tấn. Một năm cỏ voi
được cắt từ 8 - 10 lứa, nên trung bình mỗi ha đất trồng cỏ
thu hoạch khoảng 350 tấn. Sản lượng cỏ tươi như vậy sẽ là
điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình chăn nuôi bò
sữa, bò thịt ở địa phương trong thời gian tới”.
Hiện nay, tỉnh ta đã có khoảng 100 hộ trồng cỏ
voi nuôi bò. Xã Diên Xuân (Diên Khánh) có gần 30 hộ trồng cỏ,
gia đình anh Nguyễn Văn Quý trồng nhiều nhất. Do đặc trưng là
đất gò đồi, nguồn nước tưới ít, trồng các loại cây ngắn
ngày hiệu quả kinh tế thấp, gia đình anh quyết định chuyển
trên 3 ha đất xung quanh vườn sang mô hình trồng cỏ voi. Anh cho
biết: “Trồng cỏ voi vốn đầu tư rất ít nhưng hiệu quả kinh
tế rất cao, cao hơn nhiều so với trồng lúa nước. Như gia đình
tôi, với trên 3 ha đất trồng cỏ, mỗi năm thu về khoảng 1.000
tấn, mà vốn đầu tư chưa đến 1 triệu đồng tiền phân bón. 1
ha đất trồng cỏ có thể nuôi trên 30 con bò. Tính ra, cánh đồng
cỏ của tôi có thể nuôi một lúc trên 100 con bò. Năm qua, do vốn
đầu tư ít, chưa đến 200 triệu đồng, gia đình tôi chỉ mua được
20 con bò, trong đó 18 con là bò cái. Hiện nay, số bò cái của tôi
đã có chửa, chuẩn bị đẻ 5 con. Nếu không có gì thay đổi,
từ nay đến cuối năm, tôi sẽ có 18 con bê con, thu lãi trên 40
triệu đồng”.
Trồng cỏ để phát triển đàn bò
Theo số liệu thống kê, năm 1990, tổng đàn bò
toàn tỉnh là 59.151 con, nhưng đến năm 2001 đã giảm đáng kể,
chỉ còn 46.795 con. Vì sao tổng đàn bò trong tỉnh ngày càng giảm
trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt bò trên thị truờng ngày càng tăng?
Anh Võ Ngọc Thái cho biết, do cơ giới hóa nông nghiệp nên số lượng
đàn trâu bò dùng cho cày kéo ngày càng giảm đi. Hơn nữa, kể
từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, sản xuất nông nghiệp
dần chuyển sang sản xuất hàng hóa, từ đó ngành chăn nuôi đại
gia súc cũng phát triển theo hướng nuôi lấy thịt thay vì nuôi để
sử dụng cho cày kéo. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích đất
canh tác và chuyển một phần đất nông nghiệp sang mục đích
khác nên diện tích đồng cỏ để chăn nuôi trâu bò ngày càng
bị thu hẹp. Qua khảo sát ở Ninh Hòa, Diên Khánh, Vạn Ninh, Cam
Ranh, do nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm trồng trọt sử dụng
làm thức ăn cho trâu, bò ngày càng khó khăn nên phần lớn người
dân có xu hướng nuôi bò lai Sind nhiều hơn là nuôi bò lấy thịt.
Vậy là, nguồn cỏ tươi đã có ảnh hưởng không nhỏ đến
việc phát triển đàn bò. Khánh Hòa rất có điều kiện trong
việc phát triển các đồng cỏ để nuôi bò trên những khu vực
đất bạc màu, đất xấu, khó canh tác. Nếu chăn nuôi bò tốt, 1
ha đất canh tác mỗi năm lãi ròng không dưới 50 triệu đồng.
Các chủ trang trại cho rằng, trồng cỏ voi nuôi
bò hiệu quả hơn trồng lúa, tính ra 1 ha lúa thâm canh 3 vụ, với
năng suất khoảng 60 tạ/ha, giá lúa thị trường 1.200 đồng/kg, người
sản xuất giỏi lắm thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Biết vậy, nhưng
nhiều chủ trang trại đành bó tay, chỉ vì một điều duy nhất
là họ thiếu vốn. Nhiều chủ trang trại cho biết hiện nay vốn
đầu tư phát triển KTTT rất lớn. Ngoài tiền thuê, mua đất với
diện tích lớn, họ còn phải đầu tư cơ sở hạ tầng, cây
trồng vật nuôi khác, do vậy ít nhất cũng phải tốn hết vài trăm
triệu đồng tiền đầu tư. Chính từ những lý do này, nhiều
chủ trang trại chưa mạnh dạn trồng cỏ nuôi bò. Còn các hộ
chuyên trồng cỏ voi nuôi bò thì sao? Trồng cỏ rất dễ, nhưng để
có vốn nuôi bò khoảng vài chục con thì khó quá! Vốn vay từ
ngân hàng ít, không thấm vào đâu, nên phát triển đàn bò chủ
yếu là vốn tự có. Giá bò đang cao, hiện mỗi con bò đẻ, bò đến
tuổi trưởng thành giá khoảng 8 - 10 triệu đồng. Vốn đầu tư
hạn hẹp, do vậy các hộ trồng cỏ nuôi bò lấy phương châm
“lấy ngắn nuôi dài” là chính.
Trồng cỏ voi nuôi bò đang có xu hướng phát
triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc tạo điều
kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, các chủ trang trại vay vốn
trung và dài hạn để phát triển đàn bò là vấn đề hết sức
cấp bách. Nếu giải quyết được những vấn đề này, từ mô
hình trồng cỏ voi nuôi bò, không xa, con đường 50 triệu đồng/ha
đất canh tác sẽ nằm trong tầm tay của bà con nông dân.
VŨ TRUNG HÙNG, Báo Khánh Hoà, 20/9/2003www.vietlinh.vn
Kỹ thuật trồng cỏ Voi, Keo dậu, cỏ Stylo, cỏ Sả để nuôi bò sữa
1. Cỏ Voi Thuộc họ hoà thảo, thân đứng, có nhiều đốt, rậm lá, sinh trưởng nhanh. Khi nhiệt độ hạ xuống thấp không bị cháy lá. Thời gian trồng thích hợp là từ tháng 2 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11. Nếu mùa khô chủ động được nước tưới, thì có thể thu hoạch quanh năm. Chu kỳ kinh...
Xem chi tiết
Chia sẻ bài báo này với bạn bè.