Thông tin thị trường nông nghiệp: "Net" đến nông thôn!
|
|
Đánh giá: 0 người đã đánh giá bài báo này.
Người viết: khachnonghoc,
ngày 7/29/2013,
trong mục "
TIN NÔNG NGHIỆP"
Tóm tắt: Thông tin thị trường nông nghiệp: "Net" đến nông thôn!
Thông tin thị trường nông nghiệp: "Net" đến nông thôn!
Trước thực trạng nông dân Việt Nam đang"khát" tin tức về thị trường nông nghiệp, một vài website "nóng" đã ra đời. Đây được coi là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này vẫn còn nhiều việc phải làm.
Những bước đi đầu
Gần 3 tháng nay, nhiều nông dân tại tỉnh An Giang đã hình thành thói quen đến điểm Internet xã, nhờ cán bộ khuyến nông truy cập vào web, trang Giá Cả Thị Trường. Trên trang này, từ giá bán nông, thủy sản (lúa, mè, rau, đậu...), đến giá mua của thương lái, giá vật tư phân bón, giống lúa, con giống cá tra, cá ba sa, tôm càng xanh... được cập nhật hàng ngày. Giá được tập hợp đều khắp từ các xã của tất cả 11 đơn vị hành chính trực thuộc (huyện, thị, thành phố) trên địa bàn tỉnh. Các thông tin này ngày càng giúp nhiều cho nông dân định giá sản phẩm, lựa chọn thị trường tiêu thụ có lợi nhất để khỏi thiệt thòi, bị ép giá.
Trưởng phòng Xúc Tiến Thương Mại Và Thông Tin Quảng Bá Trung Tâm Khuyến Nông (TTKN) An Giang, kỹ sư Lê Thiện Tùng cho biết: mạng thông tin được tổ chức khá chặt chẽ bằng việc cán bộ khuyến nông tại các UBND xã mỗi sáng ghi nhận giá cả tại các chợ đầu mối, các thương lái, các công ty chế biến... Tin tức được tổng hợp và chuyển về TTKN trước 9 giờ sáng mỗi ngày bằng fax, điện thoại, và chủ yếu là E-mail. Tổ biên tập gồm 3 người tại TTKN biên tập nội dung, cập nhật thêm tin mới từ các báo, đài rồi chuyển bản tin qua E-mail đến ban biên tập website ở Văn phòng UBND tỉnh. Bản tin được đưa lên mạng trước 11 giờ sáng mỗi ngày.
Từ đầu tháng 11/2003, thông tin này được tổng hợp và in thành tập "Thông tin giá cả thị trường và sản xuất nông nghiệp" xuất bản 10 ngày/lần, mỗi kỳ 1.500 bản phát miễn phí cho các điểm bưu điện văn hoá xã nhằm giúp người chưa có điều kiện truy cập Internet vẫn nắm diễn biến của giá cả, sản xuất. Ngoài đối tượng là người sản xuất và các nhà kinh doanh nông thủy sản, trang web và những ấn bản này còn phục vụ đắc lực cho nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh. Đội ngũ cán bộ cũng nắm được tình hình có hệ thống và khá chi tiết.
Ông Trương Quang Minh, giám đốc TTKN cho biết đã xây dựng đội ngũ 300 người cung cấp thông tin từ cơ sở. Những nhân vật này hầu hết đều là cán bộ khuyến nông hưởng lương chính thức hoặc là "khuyến nông viên tự nguyện". Họ đều bận rộn khá nhiều công việc gắn liền với sản xuất, kinh doanh nhưng cung cấp thông tin cho mạng khuyến nông thì không ai nhận thù lao. "Chúng tôi xem đây là việc rèn luyện ứng dụng và đưa CNTT về nông thôn theo chủ trương của lãnh đạo tỉnh", ông Cao Văn Út, cán bộ UBND xã Phú Lâm, Huyện Phú Tân bổ sung với vẻ mặt chân chất. Được biết từ tháng 4/2002, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt dự án "Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin trên Internet cho cán bộ khoa học kỹ thuật ở xã, thị trấn nông thôn" với nguồn vốn 428 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh (xem thêm bài "Nông dân điện tử và dự án An Giang", TGVT sê-ri B, 9/2002). Dự án "Internet nông thôn" này giúp cán bộ cơ sở liên lạc, gửi tin cần thiết hàng ngày và truy cập, xem thông tin.
Cùng với An Giang, một số tỉnh cũng đã và đang tổ chức được mạng lưới thông tin thị trường nhưng liên lạc chủ yếu qua điện thoại, fax. Tại Lào Cai, tỉnh biên giới phía Bắc, bảng tin giá của 10 huyện thị và chợ biên giới được thu thập, xuất bản hàng tuần, phát trên đài phát thanh, truyền hình và viết lại trên các bảng đặt tại các xã. Tỉnh Đắk Lắk cũng phát hành 2 bảng tin/tháng về giá của 14 mặt hàng chính, tin khuyến nông, giá cả ngoài tỉnh... Dù chưa trực tiếp lên Internet nhưng từ tháng 7/2003, các bản tin này được các Sở Nông Nghiệp - Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) chọn lọc, biên tập và gửi theo E-mail về Trung tâm Thông tin Bộ NN-PTNT để xuất hiện trên website chính thức của Bộ.
Ngoài ra, dự án Cổng Thông Tin Quốc Gia Việt Nam (VNCG) cũng vừa xây dựng chuyên trang Điểm Bưu Điện Văn Hoá Xã cung cấp thông tin khoa học kỹ thuật, cách dùng Internet cho nông dân.
Còn nhiều việc phải làm
Thông tin thị trường nông thôn bước đầu đã " lên" Internet nhưng người nông dân có nhanh chóng hưởng lợi? Tại An Giang, dự án "Internet nông thôn" khi bắt đầu (4/2002) triển khai được 36 điểm truy cập tại 36 xã. Đến tháng 10 năm nay chỉ tăng thêm 3 điểm truy cập nữa, đạt 39 điểm/142 xã trong toàn tỉnh. Trong số đó, chỉ mới có 12 điểm được truy cập thường xuyên, 27 điểm còn lại khá thưa thớt. Nhiều lãnh đạo UBND xã có thể do chưa thấy rõ lợi ích từ Internet nên không quan tâm tổ chức nhóm truy cập, bố trí thời gian truy cập và khuyến khích, nâng cao trình độ sử dụng Internet. Một số cán bộ "quản lý sử dụng" máy vi tính, điện thoại cho rằng đây là việc làm kiêm nhiệm nên cũng chẳng "mặn nồng" lâu dài và càng... nhanh chán vì không quen khắc phục các lỗi thông thường của máy tính. Nhiều cơ quan UBND xã chỉ có một máy vi tính để phục vụ chung tất cả ban ngành, đoàn thể.
Nhìn rộng ra nhiều nơi tình hình cũng không mấy lạc quan. Cán bộ của Trung Tâm Khuyến Nông Và Giống Cây Trồng Vật Nuôi Đắk Lắk nhận xét: "Mục đích của bản tin thị trường là phục vụ nông dân nhưng hiện nay phát hành bản tin giấy, liên lạc bằng điện thoại, fax, không thể đầy đủ, kịp thời để nắm bắt giá cả có liên quan đến sản xuất và đời sống. Đó là chưa kể đến mảng thông tin dự báo còn khá thiếu".
Thông tin trên Internet là nhanh nhất nhưng muốn có tin và để người nông dân truy cập được còn cần nhiều điều kiện. Đó là đào tạo nhân lực chuyên trách về thông tin thị trường, kinh phí đầu tư trang thiết bị và cả các chính sách cần thiết cho cán bộ chuyên trách CNTT thay cho kiêm nhiệm như hiện nay... Tóm lại, cần sự đầu tư "dài hơi" của nhiều ngành và toàn xã hội.
Bích Ty, PCW-B, 1/2004
Xây dựng hệ thống thông tin chuyên ngành nông nghiệp phát triển nông thôn trên webgis
Xây dựng hệ thống WebGIS quản lý dữ liệu tổng hợp cho Sở Nông
nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Cần Thơ (sản phẩm mang tên
AGRIWEBGIS_CT) phục vụ cho quản lý dữ liệu của 6 Chi cục tương ứng
với 6 phân hệ con (bao gồm: Thủy lợi, Thủy sản, Thú y, Phát triển nông
thôn, Bảo vệ thực vật, Nước...
Xem chi tiết
Chia sẻ bài báo này với bạn bè.